|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Hiệp định TPP là động lực để Việt Nam cải cách kinh tế

14:08 | 29/11/2016
Chia sẻ
Dù tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng TPP vẫn là động lực để Việt Nam thực hiện cuộc cải cách kinh tế lớn nhất hàng thập kỷ qua.

TPP là động lực để Việt Nam tiếp tục cải cách kinh tế

Kể từ năm 2013 khi Hiến pháp mới được chính phủ thông qua, các nhà lập pháp của Việt Nam đã ban hành hơn 100 điều luật; và đây được xem là một sự thay đổi lớn chưa từng có từ khi Việt Nam khởi xướng chương trình cải cách kinh tế Đổi Mới vào những năm 1980. Mới đây, chính phủ Việt Nam cũng dự kiến triển khai hơn 30 dự luật liên quan đến lao động, kinh doanh, ngoại thương và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn được đề ra nhằm phù hợp với quy định của Hiệp định TPP.

Từ lâu, Việt Nam vẫn được xem là một trong những quốc gia có thể hưởng lợi lớn từ TPP. Bởi, tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các thị trường, từ quần áo, giày dép đến đồ điện tử. Đồng thời, Hiệp định TPP cũng giúp thắt chặt mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam.

Hơn thế nữa, TPP cũng được xem là động lực để chính phủ Việt Nam thực hiện cuộc cải cách cơ cấu cần thiết trong dài hạn.

“Chúng tôi sẽ vẫn thực hiện những gì đã vạch ra trước đó. Điều mà chúng tôi cần phải cải thiện là công nghệ và hệ thống quản trị doanh nghiệp. Đây là việc rất quan trọng,” Bloomberg trích lời của ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nói trong một buổi phỏng vấn tại Hà Nội vào tuần trước.

Trước đó vào năm 2011, chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch cải cách khối doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, tiến độ cải cách vẫn còn rất chậm do số cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước được bán ra vẫn còn quá nhỏ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nhà nước còn xin rút lui khỏi kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt để hội nhập dù có TPP hay không

“Dù có TPP hay không thì chúng tôi vẫn muốn mình được chuẩn bị tốt. Chúng tôi vẫn phải đảm bảo rằng, mình có đủ khả năng để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, bởi Việt Nam đang ngày càng hội nhập hơn với kinh tế thế giới,” bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Traphaco nói.

Bà Thuận cho biết, Traphaco đã mạnh tay đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh của công ty trước các đối thủ; trong đó phải kể đến dự án xây dựng nhà máy 22 triệu USD nhằm dự trữ các loại thuốc ngoại tràn về Việt Nam nếu TPP được thông qua.

Không chỉ Traphaco, các doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng bắt đầu vung vốn đầu tư, theo ông Phạm Trọng Nghĩa – Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật của Văn phòng Quốc hội cho biết. “Sự chuẩn bị này sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dù TPP không được thông qua. Không có gì bất hợp lý khi kết luận, giai đoạn 2011 – 2016 là giai đoạn cải cách lớn nhất của Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới. TPP là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thay đổi này,” ông Nghĩa nhận định qua email.

Cũng theo ông Nghĩa, TPP giúp nâng cao nhận thức của những người “cầm cương”, từ quan chức nhà nước, người đứng đầu các doanh nghiệp, liên minh thương mại cho tới người lao động và công đồng, về khái niệm thương mại tự do. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam dường như cũng muốn duy trì động lực cải cách mà TPP đã tạo ra cho nền kinh tế nước nhà.

TPP là định hướng cho Việt Nam để hội nhập với kinh tế thế giới

Tiến sĩ Alan Phạm – Kinh tế trưởng của quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam VinaCapital cho rằng, TPP giống như bản đồ định hướng cho Việt Nam trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

“Dù có hay không TPP, Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách. Hiệp định TPP này thực sự rất hữu ích đối với chính phủ và khối doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, họ có thể biết cần phải làm gì để trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu,” ông Alan Phạm nói.

Ông Vũ Tự Thành – Trưởng địa diện của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đông Nam Á ở Việt Nam nhận định, sự sụp đổ của TPP không phải là điều đáng mừng nhưng cũng không phải là chuyện quá tồi tệ, bởi Việt Nam sẽ cần thêm nhiều thời gian để chuẩn bị.

“TPP là một cuộc chơi dành cho những tay chơi lớn trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ. TPP chỉ là một phần trong cuộc cải cách của Việt Nam. Không có TPP thì Việt Nam vẫn sẽ cải cách,” ông Thành nói.

Trước đó vào tháng 10, chính phủ đã thông qua nghị quyết về Hội nhập Kinh tế Quốc tế nhằm khẳng định cam kết mở cửa nền kinh tế hơn nữa của Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nhiều thay đổi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống 15% từ mức hiện tại 20%.

Thiên An