Bloomberg: Đạt đỉnh năm ngoái, IPO tại Việt Nam chững lại
Mặt tiền phía trước Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) (Ảnh: Bloomberg)
Theo tờ Bloomberg, tính đến ngày 31/5, có 21 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện IPO tuy nhiên chỉ thu về tổng cộng hơn 281 triệu USD. Trong khi cùng kì năm ngoái, số lượng công ty thực hiện là 39, huy động về 3,51 tỉ USD, cao nhất lịch sử.
Nguyên nhân của sự sụt giảm do không có doanh nghiệp lớn nào thực hiện chào bán cổ phần, tất cả các thương vụ đều có giá trị dưới 80 triệu USD, trái ngược với 5 tháng đầu năm 2018, có tới 8 đợt chào bán giá trị trên 100 triệu USD.
"Qui mô đợt chào bán cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hóa thị trường thấp thường khá nhỏ, khiến chúng kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường tại Chứng khoán MBS cho hay.
Trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam có đà tăng ấn tượng. Đi cùng với đó, Việt Nam đã ghi nhận các đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay, trong đó có Vincom Retail vào năm 2017, thu về 688 triệu USD; Ngân hàng Techcombank vào tháng 4/2018, thu về 922 triệu USD; và nhà phát triển bất động sản cao cấp Vinhomes, thu về gần 1,4 tỉ USD trong cùng tháng 4/2018.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 2% trong tháng 5 vừa qua, đây là mức giảm trong tháng lớn nhất kể từ cuối năm 2018. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 6,2% trong tháng 5, cũng là mức cao nhất tính từ tháng 10/2018.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán sụt giảm. Cụ thể, theo số liệu của Bloomberg, giá trị giao dịch hàng ngày trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 170 triệu USD, trong khi đó vào cùng kì năm ngoái, con số này gần gấp đôi ở mức 320 triệu USD.
Nửa cuối năm 2019, nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước có kế hoạch IPO, trong đó có những cái tên như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem).