|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bitexco muốn mua 60% cổ phần tại công ty khai thác mỏ Hải Sư Trắng và Hải Sư Đen

08:19 | 28/08/2021
Chia sẻ
Nếu giao dịch thành công, Bitexco sẽ nắm 60% vốn của Thăng Long - JOC, đơn vị đang quản lý hai mỏ Hải Sư Trắng và Hải Sư Đen.
Bitexco muốn mua 60% cổ phần tại công ty khai thác mỏ Hải Sư Trắng và Hải Sư Đen - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Talisman).

Ngày 20/8, Bitexco Energy Ltd, công ty con thuộc 100% vốn của Bitexco Group đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Repsol Exploración SA để mua lại toàn bộ cổ phần của Repsol tại Công ty TNHH Talisman (Việt Nam 15.2 /01), một công ty được thành lập tại Canada.

Hiện tại, Talisman (Việt Nam 15.2 /01) đang nắm giữ 60% trong hợp đồng dầu khí Lô 15-2/01, bể Cửu Long ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam và giữ 60% quyền điều hành trong Công ty Điều hành chung Thăng Long - JOC. Dự kiến, thương vụ sẽ kết thúc trước cuối năm khi nhận được các sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

Như vậy nếu thành công, cơ cấu cổ phần mới trong hợp đồng phân chia sản phẩm ở Thăng Long - JOC gồm Bitexco nắm 60% và 40% thuộc Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).

Theo tìm hiểu, Thăng Long - JOC đang điều hành hoạt động tại hai mỏ Hải Sư Trắng và Hải Sư Đen với sản lượng trung bình 15.000 thùng dầu/ngày song sản lượng dầu hai mỏ này đang sụt giảm. 

Tuy nhiên, nhằm tiết giảm được chi phí vận hành và khai thác, mỏ Hải Sư Đen và Hải Sư Trắng của Thăng Long - JOC đã được phép kết nối với mỏ Tê Giác Trắng của Hoàng Long - JOC.

Trở lại với Bitexco, đây là một tập đoàn hoạt động lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thủy điện, hạ tầng cơ sở và khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp này có mối lương duyên đầu tiên với ngành dầu khí từ dự án khai thác nước khoáng tại Tiền Hải - Thái Bình, cái nôi của ngành dầu khí Việt Nam.

Hiện Bitexco đang tham gia đầu tư cùng với PVEP và các nhà thầu khác khai thác mỏ Cá Tầm, dự án có hiệu quả kinh tế đến năm 2032.

Cập nhật trên website của PVN, các mỏ dầu khí lớn trong nước bao gồm 7 mỏ gồm (1): Mỏ Bạch Hổ do Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (VietsovPetro) điều hành; (2) cụm mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng và Sư Tử Nâu do Công ty Điều hành chung Cửu Long; (3) mỏ Tê Giác Trắng thuộc Công ty Điều hành chung Hoàng Long; (4) mỏ Lan Tây – Lan Đỏ do Công ty Dầu khí Rosneft khai thác; (5) Công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc (KNOC) quản lý mỏ Rồng Đôi – Rồng Đôi Tây; (6) Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông điều hành mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh và (7) Repsol Malaysia quản lý Cụm mỏ Lô PM3-CAA & 46CN.

Minh Hằng

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.