|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bitcoin ngày càng phổ biến trong các vụ đòi tiền chuộc: Nên buồn hay vui?

12:39 | 17/05/2021
Chia sẻ
Tin tặc thích nhận tiền chuộc bằng bitcoin vì giao dịch bằng đồng tiền này rất khó bị cơ quan chức năng truy ra dấu vết.
Bitcoin: Kho báu mới của các cuộc tấn công đòi tiền chuộc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Cho đến gần đây, loại tiền chuộc phổ biến nhất là những tờ USD mệnh giá lớn, không được đánh dấu, đựng trong vali. Nhưng vai trò của bitcoin trong vụ tấn công mạng Colonial Pipeline cho thấy USD đã có đối thủ. Theo một số khía cạnh, đây có thể coi là dấu hiệu cho thấy sự thành công của bitcoin, nhưng nó cũng tạo ra lý do để các cơ quan quản lý tăng cường can thiệp.

Khó khăn của Colonial Pipeline làm nổi bật đặc tính dễ sử dụng của bitcoin. Tuần trước, công ty quản lý hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất tại Mỹ đã phải trả khoản tiền chuộc gần 5 triệu USD bằng tiền ảo để lấy lại quyền truy cập vào hệ thống máy tính của mình, Bloomberg đưa tin.

Năm 2017, một trong những cuộc tấn công bởi mã độc tống tiền (ransomware) lớn nhất thế giới là WannaCry đã đòi hơn 200.000 nạn nhân trả tiền chuộc bằng bitcoin. Một năm sau, hơn một nửa những vụ tấn công mạng kiểu này cũng yêu cầu bitcoin, hãng an ninh mạng PurpleSec cho biết. 

Vụ tin tặc rao bán 17GB ảnh chụp CMND, sổ hộ khẩu... của người Việt Nam cũng đòi người mua thanh toán bằng bitcoin.

Bitcoin: Được chấp nhận rộng rãi đi kèm rủi ro bị quản lý

Việc giới tin tặc ưa chuộng bitcoin phản ánh sự chấp nhận nhanh chóng của đồng tiền mã hóa 12 tuổi này. Vốn hóa của bitcoin lần đầu vượt 1.000 tỷ USD hồi tháng 2. Giờ mỗi bitcoin có giá khoảng 44.500 USD.

Bitcoin cũng ngày càng phổ biến trong giao dịch thường ngày. Năm ngoái, cầu thủ Russell Okung của Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL) trở thành người đầu tiên trong môn thể thao này được trả một phần lương bằng bitcoin. Ngày càng nhiều người bán nhà đang chấp nhận được thanh toán bằng tiền mã hóa, đặc biệt là tại các quốc gia có đồng tiền pháp định yếu như Argentina, Reuters cho biết. 

Nhưng tính ẩn danh của bitcoin là mối lo ngại chính đáng đối với giới chức trách. Bản thân tiền mã hóa không chịu sự quản lý của chính phủ hay ngân hàng trung ương, do đó việc giao dịch hoặc chuyển đổi chúng không yêu cầu thông tin cá nhân.

Tuy nhiên, cơ quan giám sát đang ngày càng xem xét kỹ lưỡng các sàn giao dịch kỹ thuật số và dịch vụ thanh toán liên quan tới tiền mã hóa. Các ngân hàng tạo điều kiện cho các giao dịch bằng USD phải ghi lại một số dữ liệu nhất định về các bên liên quan.

Do tiền mã hóa không bị ràng buộc bởi những biện pháp trên, chúng được sử dụng trong các âm mưu bất chính, tài trợ khủng bố và các hoạt động bất hợp pháp khác. Hiện tượng này đã dẫn đến sự gia tăng của các cuộc điều tra liên bang. Ví dụ: sàn giao dịch tiền mã hóa Binance đang bị Bộ Tư pháp và Sở Thuế vụ Mỹ điều tra về khả năng rửa tiền, theo Bloomberg.

Ông Gary Gensler, Chủ tịch mới của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã báo hiệu sẽ đặt ra thêm quy định xung quanh hoạt động tiền mã hóa. Việc trở thành lựa chọn hàng đầu cho các vụ đòi tiền chuộc cho thấy bitcoin đã trở thành đồng tiền được chấp nhận rộng rãi, nhưng cũng buộc ông Gensler và các cơ quan giám sát khác thắt chặt quy định.

Giang