Bitcoin lao dốc về gần 36.000 USD, vốn hoá thị trường bốc hơi 150 tỷ USD
Theo CNBC, giá bitcoin đã giảm khoảng 15% và đang giao dịch quanh mức 36.000 USD vào cuối ngày thứ Sáu. Trong khi Ether, đồng tiền điện tử lớn thứ hai tính theo vốn hóa thị trường, đã giảm khoảng 20% và giao dịch quanh mức 2.500 USD.
Diễn biến này đã quét sạch gần 150 tỷ USD khỏi thị trường tiền điện tử.
Sự sụt giảm của tiền điện tử theo sau đà sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày hôm trước. Chỉ số Nasdaq Composite mất 7,6% trong tuần này và S&P 500 giảm 5,7% ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Tỷ giá USD tăng đã khiến các nhà đầu tư rời bỏ các tài sản rủi ro hơn. Đầu tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, giao dịch trên 1,9%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng cho biết họ có kế hoạch bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán, cũng như cắt giảm trái phiếu và tăng lãi suất.
Theo các chuyên gia phân tích, bitcoin, tài sản đóng vai trò là hàng rào chống lạm phát do các gói kích thích kinh tế, đang chịu ảnh hưởng bởi sự "diều hâu" hơn của Fed.
Tuy nhiên, khi lợi suất giảm trở lại vào cuối tuần, nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của công ty giao dịch ngoại hối Oanda cho biết "hơi thất vọng khi không thấy bitcoin phản ứng tích cực hơn với sự đảo chiều của lợi suất trái phiếu kho bạc".
Giá bitcoin đã giảm mạnh kể từ tháng 11, giảm hơn 40% từ mức cao kỷ lục khoảng 69.000 USD.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng thị trường tiền điện tử có thể sớm đi đến suy thoái, khi sự giám sát chặt chẽ về quy định và những biến động giá dữ dội làm giảm triển vọng của bitcoin.
Khi lãi suất và lạm phát tăng, các nhà đầu tư đang chia rẽ về cách định giá bitcoin. Trivariate Research nhận thấy cổ phiếu lạm phát đang di chuyển chặt chẽ với biến động của tiền điện tử.
Các cơ quan quản lý cũng đang siết chặt tiền điện tử. Trung Quốc cấm hoàn toàn tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử và các nhà chức trách Mỹ cũng đang kiểm soát một số khía cạnh của thị trường.
Trong một lưu ý hôm thứ Năm, Moya của Oanda đã dự đoán rằng bitcoin có thể giảm xuống dưới 40.000 USD vì ngân hàng trung ương Nga (một trong ba quốc gia hàng đầu về khai thác bitcoin) đã đề xuất lệnh cấm sử dụng và khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ Nga.
Đồng thời, họ cũng tuyên bố rằng tiền kỹ thuật số có nguy cơ đối với "sự ổn định tài chính và chủ quyền chính sách tiền tệ.