|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bình Thuận lên kế hoạch chủ động tránh ùn ứ thanh long xuất khẩu trước diễn biến dịch bệnh do virus corona

15:33 | 04/02/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc cần theo dõi thông tin để chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hóa.

Theo báo Bình Thuận, địa phương này có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước, chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường biên mậu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các cửa khẩu đều tạm thời đóng cửa, khiến nông sản bị dồn ứ. 

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết tổng diện tích thanh long của Bình Thuận hiện nay gần 30.000 ha trong đó diện tích xử lí đèn cho thanh long ra trái vụ trong giai đoạn này khoảng 10.000 ha. 

Ước sản lượng 85.000 – 100.000 tấn, thời gian thu hoạch từ nay đến ngày 29/2/2020, trong đó huyện Hàm Thuận Nam 50.000 tấn, Hàm Thuận Bắc 20.000 tấn; Bắc Bình 5.000 tấn; các huyện, thành phố, thị xã còn lại là khoảng 10.000 tấn.

Theo đó, để tránh dồn ứ thanh long, đặc biệt trong thời gian từ ngày 15/2 đến 30/3/2020,  Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cây thanh long Bình Thuận khuyến cáo nông dân cần thường xuyên cập nhật thông tin liên quan tình hình tiêu thụ đối với thị trường Trung Quốc để có phương án kế hoạch sản xuất hợp lí trong thời gian tới.

Đồng thời có sự phối hợp trong việc vận chuyển hàng hóa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía bắc hợp lý, nhất là về hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang… nhằm đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép cấp, ép giá cũng như tránh phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Đối với HTX sản xuất thanh long, cần tập trung tuyên truyền cho xã viên tiếp tục liên kết sản xuất chặt chẽ hơn. Đồng thời, sản xuất theo các tiêu chuẩn như GloBalGAP nhằm đáp ứng nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc. 

Đối với doanh nghiệp, Hiệp hội phải tăng cường liên kết doanh nghiệp với nhau nhằm tạo được các chuỗi giá trị qui mô lớn mới đủ sức cạnh tranh và tiêu thụ ổn định.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề xuất UBND tỉnh, Sở Công Thương phải làm việc với các tỉnh để có giải pháp tiêu thụ nội địa, đưa vào các chợ đầu mối ở các tỉnh, đưa vào các khu công nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn. Đẩy mạnh xuất khẩu thị trường tiềm năng như Ấn Độ, lâu dài cần mở thêm thị trường mới. 

Đồng thời đề nghị các tập đoàn lớn như Nafood group, Lavifood có chế biến các sản phẩm từ thanh long tạo điều kiện, hỗ trợ thu mua thanh long cho người dân trong giai đoạn này, hỗ trợ các HTX có chế biến rượu, nước ép thanh long phát triển hết công suất nhà xưởng như bồn chứa, công nghệ, mở rộng nhà xưởng và hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lưu kho trong giai đoạn Trung Quốc chưa mở cửa nhập khẩu.

Như Huỳnh