|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bình Thuận: Đã thông qua phương án trồng rừng thay thế đợt 1 hơn 400ha cho dự án hồ chứa nước Ka Pét ở hạ nguồn

16:02 | 07/09/2023
Chia sẻ
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đợt 1 sẽ trồng rừng thay thế hơn 434 ha cho dự án hồ chứa nước Ka Pét tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, hiện tỉnh đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế đợt 1 cho dự án hồ chứa nước Ka Pét với diện tích là 434,22 ha. Việc trồng rừng thay thế của dự án được thực hiện trong diện tích quy hoạch rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có báo cáo và đề nghị bổ sung một số khu vực khác để trồng rừng thay thế phù hợp, như mở rộng trồng rừng thay thế hơn 2.000 ha tại khu vực được quy hoạch cho rừng sản xuất.

Nếu được Quốc hội cho phép, tỉnh Bình Thuận có thể triển khai trồng đồng thời trên diện rộng, rút ngắn thời gian hoàn thành việc trồng rừng thay thế của dự án và đồng bộ với tiến độ hoàn thành xây dựng công trình của dự án.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét có dung tích thiết kế 51,21 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích là 47,41 triệu m3; xây dựng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Đây là công trình sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II khoảng 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp nước sinh hoạt cho 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.

Ngoài ra, hồ chứa nước này còn giúp phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Dự án hoàn thành sẽ giúp tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh. 

Vị trí xây Hồ thủy lợi Ka Pét (Nguồn: binhthuan.gov.vn).

Bình Thuận lên tiếng về những tranh cãi tại dự án Ka Pét

Tại kỳ họp vào tháng 5/2023, Quốc hội đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng hồ chưa nướcKa Pét. Trước đó, tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án này với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, máy móc thiết bị, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư dự án tăng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị Quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019.

Tổng số vốn dự kiến sau điều chỉnh của dự án là 874,089 tỷ đồng, đã bố trí 519,93 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu so với tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh là 354,162 tỷ đồng, gồm 288,442 tỷ đồng do tăng tổng mức đầu tư và 65,72 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 cho đến nay đã hết thời hạn thực hiện và giải ngân theo quy định.

Phần nguồn vốn tăng thêm dự kiến huy động từ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025 và được bố trí điều chỉnh, bổ sung đối với 8 hạng mục.

Bên cạnh điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn thực hiện dự án, Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh diện tích sử dụng đất của dự án thành: 697,73 ha (tăng 4,42 ha), trong đó: diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (giảm 0,69 ha) [đất có rừng là 619,58 ha (giảm 60,83 ha), gồm: đất rừng đặc dụng là 137,95 ha (giảm 24,6ha); đất rừng phòng hộ là 0,51 ha (giảm 0,4 ha); đất rừng sản xuất là 440,4 ha (giảm 30,69 ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha (giảm 5,13 ha) và đất không có rừng tăng 60,14 ha; diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha (tăng 5,13 ha).

Trong những ngày gần đây, dự án hồ chứa nướcKa Pét đã gặp phải nhiều tranh cãi về việc phải chặt rừng để xây dựng. Về vấn đề này, tỉnh Bình Thuận cho biết, tổng dung tích thiết kế của các hồ trên địa bàn tỉnh hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất, dự báo đến năm 2030 lên đến hơn 1.169 triệu m3/năm.

Mặt khác, các hồ thủy lợi lớn của tỉnh chủ yếu nằm ở khu vực phía Bắc và Nam (gồm các huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân và thị xã La Gi) chỉ có những hồ chứa nhỏ nên nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất thiếu trầm trọng. Một số khu vực phải ngưng sản xuất nông nghiệp có thời hạn.

Theo đó, nhu cầu đầu tư hệ thống hồ chứa nước để giữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân cần được ưu tiên và dự án hồ chứa nước Ka Pét là một trong những dự án thủy lợi được Nhân dân Bình Thuận nói chung, huyện Hàm Thuận Nam và các huyện lân cận nói riêng mong đợi từ nhiều năm qua.

Tỉnh Bình Thuận khẳng định, quá trình lập dự án, địa phương và các cơ quan liên quan đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đang hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Đồng thời, tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án. Đối với báo cáo tác động môi trường, tỉnh đang hoàn thiện để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định và phê duyệt.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng đang xây dựng phương án trồng rừng thay thế ở hạ nguồn theo đúng quy định của pháp luật, phấn đấu việc trồng rừng sẽ hoàn thành cùng thời điểm hoàn thành dự án hồ chứa nước Ka Pét vào cuối năm 2025.

Hạ An

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.