|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bình Định phát triển công nghệ bán dẫn gắn với đô thị sân bay

16:00 | 23/12/2023
Chia sẻ
Khu công nghiệp Hòa Hội, huyện Phù Cát được quy hoạch để phát triển công nghiệp điện tử và bán dẫn, gắn với đô thị sân bay.

Nội dung được đề cập trong lễ công bố quy hoạch Bình định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 23/12. Chủ tịch Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, quy hoạch tỉnh có 5 trụ cột phát triển gồm công nghiệp công nghệ cao và công nghệ 4.0; nông lâm nghiệp, thủy sản; logistics; đô thị.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (phải) trao chứng nhận quyết định phê duyệt quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Bình Định, sáng 23/12. (Ảnh: Quy Nhơn).

Với lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ 4.0, tỉnh chú trọng công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư cho linh kiện điện tử và bán dẫn, cùng công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Để phát triển công nghiệp điện tử và bán dẫn, tỉnh sẽ xây dựng "đô thị sân bay" gắn với khu công nghiệp Hòa Hội ở huyện Phù Cát. Khu công nghiệp này có diện tích 265 ha ở xã Cát Hanh, nằm bên quốc lộ 1 và cách sân bay Phù Cát - nơi dự kiến được nâng cấp lên cảng hàng không quốc tế, khoảng 8 km. Đô thị sân bay là đô thị thu nhỏ bao gồm sân bay và khu vực dân cư đa chức năng nằm trong và ngoài ranh giới sân bay.

Phối cảnh khu công nghiệp Hòa Hội. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Định).

Đầu tháng 11, trong chuyến làm việc tại Hàn Quốc, lãnh đạo địa phương bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp nước này đầu tư vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn và đất hiếm. Hiện nhiều công ty lớn trong lĩnh vực bán dẫn đã đầu tư nhiều tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam.

Trước khi được quy hoạch phát triển công nghiệp bán dẫn, Bình Định cũng đã phát triển đô thị khoa học Quy Hòa với sự ra đời của Trung tâm ICISE và các dự án công nghệ thông tin của các công ty FPT, TMA... Ngoài ra, tỉnh sẽ phát triển các ngành công nghiệp như sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, sản xuất dược phẩm... tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng.

Tỉnh cũng xác định ba đột phá gồm đột phá hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông cho phía bắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng; chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; cùng đào tạo nhân lực chất lượng cao trong công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong quy hoạch, cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 2 vùng, 3 cực phát triển và 3 hành lang kinh tế.

Theo đó, hai vùng kinh tế gồm phân vùng Bắc (đô thị Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão); phân vùng Nam gồm Quy Nhơn cùng 6 huyện thị khác. Ba cực phát triển là TP Quy Nhơn và vùng phụ cận - động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh; TX Hoài Nhơn - cửa ngõ phía Bắc; đô thị Tây Sơn - cực phía Tây. Ba hành lang kinh tế gồm: Bắc - Nam; kinh tế biển và Đông - Tây.

TP Quy Nhơn, trung tâm của tỉnh Bình Định sẽ được mở rộng về phía bắc. (Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân).

Trong tương lai, Bình Định sẽ có 3 thành phố, là Quy Nhơn, An Nhơn và Hoài Nhơn. Trong đó, TP Quy Nhơn được mở rộng về phía đông bắc, lấy đầm Thị Nại làm trung tâm. Trung tâm hành chính mới của tỉnh sẽ được xây mới tại Khu Kinh tế Nhơn Hội.

Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, bản quy hoạch mới được công bố cho tỉnh Định hôm nay là kết quả của việc xây dựng chiến lược sâu rộng, có tầm nhìn xa với sự định hướng từ Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Mục tiêu đưa tỉnh Bình Định là trở thành điểm đầu tư, phát triển kinh tế, và văn hóa hàng đầu trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Để thực hiện quy hoạch này, Phó thủ tướng cho rằng Bình Định cần hợp tác phát triển với các địa phương lân cận, công khai thông tin để thu hút nguồn lực xã hội, và tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Phạm Linh