|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Biệt thự, nhà phố phía Tây Hà Nội rao bán hàng chục tỷ mỗi căn

14:56 | 28/07/2021
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, nhà liền thổ được đánh giá là phân khúc vẫn “sống khỏe” giữa đại dịch. Giá bán tại thị trường thứ cấp, đặc biệt tại khu vực phía Tây Hà Nội ghi nhận tăng mạnh.
Biệt thự, nhà phố phía Tây Hà Nội rao bán hàng chục tỷ mỗi căn - Ảnh 1.

Biệt thự, nhà liền kề tại khu vực phía Tây Hà Nội ghi nhận hiện tượng tăng giá mạnh. (Ảnh: Hà Lê).

Khảo sát trên Batdongsan.com.vn, nhiều dự án biệt thự tại Hà Nội đang được rao bán với mức giá rất cao.

Đơn cử, biệt thự liền kề tại Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Đông) đang được rao bán với giá hàng chục tỷ đồng/căn đã hoàn thiện (cả nhà và đất), tương đương khoảng 80 - 100 triệu đồng/m2.

Một ô góc diện tích 80 m2 đang được một nhà đầu tư rao bán với giá 8,2 tỷ đồng. Mức giá này đã bao gồm cả tiền nhà và đất, tương đương khoảng 102 triệu đồng/m2.

Tại Hoài Đức, shophouse thuộc dự án Hinode Royal Park (trước đây là Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch) đang được rao bán giới giá cao nhất khoảng gần 90 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Đơn cử, một căn shophouse có vị trí mặt đường 33m, diện tích 80 m2 (5 tầng) đang được rao bán với giá 12 tỷ đồng, tương đương khoảng 150 triệu đồng/m2.

Vào giai đoạn sốt năm 2008 - 2009, giá đất nền tại dự án này từng bị đẩy lên ngưỡng 60 - 70 triệu đồng/m2. Sau nhiều năm bỏ hoang, dự án bất ngờ triển khai thi công trở lại và được môi giới "ồ ạt" rao bán từ cuối năm 2020 đến nay.

Hay tại Khu đô thị Lideco (giáp quốc lộ 32), sau khi được chủ đầu tư làm đẹp hạ tầng, biệt thự tại đây cũng có giá ngất ngưởng.

Một căn biệt thự diện tích 280 m2,nằm trên trục đường 31m, ba mặt tiền,... đang được rao bán với giá 27 tỷ đồng (tương đương hơn 96 triệu đồng/m2). Hay một căn khác diện tích 260 m2, mặt tiền 12m có giá rao bán 20 tỷ đồng (khoảng 77 triệu đồng/m2),...

Vào thời điểm năm 2010, giá bán tại dự án này được đẩy lên mức 30 - 40 triệu đồng/m2. Thậm chí, giá bán trên thị trường thứ cấp còn được thổi lên tới 50 - 60 triệu đồng/m2. Sau đó, thị trường đóng băng, dự án rơi vào cảnh bỏ hoang. Giá bán có thời điểm cũng lao dốc mạnh, không ít nhà đầu tư chấp nhận bán cắt lỗ với giá chỉ khoan 20 triệu đồng/m2.

Từ năm 2020 đến nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi siêu dự án này bất ngờ hồi sinh với giá bán bật tăng trở lại.

Hiện tượng tăng giá trên cũng được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường chỉ rõ. Riêng Hoài Đức, phân khúc nhà liền thổ quý II/2021 ghi nhận mức tăng gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được chuyên gia JLL lý giải là do hạ tầng của khu vực này được đầu tư bài bản và đang phát triển nhanh chóng, huyện đã có lộ trình lên quận,...

Yếu tố nào góp phần đẩy giá?

Theo dữ liệu của Savills Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường biệt thự, nhà liền kề Hà Nội tiếp tục đạt tỷ lệ hấp thụ tốt trong quý đến 56%, giá chào bán thứ cấp mỗi năm tăng khoảng 7% trong khi giá sơ cấp trung bình cũng tăng trong quý II này.

Mức tăng giá sơ cấp trung bình cao nhất ở quận Hoàng Mai (15% cho liền kề và 32% cho nhà phố thương mại) và ở huyện Hoài Đức (tăng 29% cho biệt thư, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại).

Sự tăng giá có thể thấy rõ ở giá nguồn cung mới tại các giai đoạn sau của các dự án, đặc biệt ở các dự án có lượng hấp thụ tốt. Các chủ đầu tư chia dự án thành nhiều khu để xây dựng giá trị và gia tăng mức giá.

Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell nhận định, khi nói giá sơ cấp trung bình của toàn thị trường tăng là trường hợp tính bình quân toàn thị trường. Mỗi khu vực cụ thể sẽ có hoạt động khác biệt, vì vậy nhà đầu tư cần nhìn sâu vào thực tế cũng như giá tại từng khu vực.

Thị trường Hà Nội đang có xu hướng mở rộng sang vùng ven do quỹ đất ở trung tâm hiện rất hạn chế, thậm chí hiện tượng hạn chế quỹ đất còn có thể thấy tại các khu vực quanh Vành đai 2 và 3.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, xu hướng mở rộng ra vùng ven tại Hà Nội chịu ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố về giá cả và hạ tầng. Đối với thị trường Hà Nội, nếu giá không hợp lý và hạ tầng không thật sự thuận lợi, việc phát triển ra các vùng ven là không chắc chắn.

Một khi cơ sở hạ tầng được phát triển, thị trường sẽ chào đón thêm nhiều bất động sản khu vực ngoại ô hơn. Những dự án này sẽ có quy hoạch rõ ràng, chú trọng hơn tới môi trường sống,...

Nói thêm tại TP HCM, phân khúc biệt thự, nhà phố, do lượng tồn kho ít nên không có nhiều sự tăng giá trong những sản phẩm đang chào bán. Tuy nhiên, giá bán tại thị trường thứ cấp lại có mức tăng giá khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam lý giải, nguyên nhân là do người Việt Nam vẫn ưu tiên nhà ở liền thổ hơn. Do đó, những sản phẩm nhà phố, đặt biệt là các sản phẩm được phát triển trong các dự án rất được nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ cũng rất tốt.

Ngoài ra, nguồn cung sơ cấp trên thị trường TP HCM cũng ghi nhận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, từ nửa cuối năm 2021 đến 2023, nguồn cung của phân khúc chung cư và nhà ở liền thổ vẫn tập trung chủ yếu tại khu Đông của TP HCM. Cụ thể, nguồn nhà liền thổ chiếm khoảng 32% trên tổng số nguồn cung mới đến năm 2023.

Theo đánh giá của bà Trang, việc các doanh nghiệp phát triển đổ dồn về khu Đông là kết quả kế thừa của sự phát triển hạ tầng trong thời gian vừa qua, cũng như mức độ đô thị hóa ở khu vực này đang phát triển rất nhanh.

"Nhìn vào kế hoạch phát triển hạ tầng tại TP HCM từ nay đến năm 2025 có thể thấy, có rất nhiều dự án hạ tầng lớn tại khu Đông. Đây cũng là đòn bẩy giúp thị trường bất động sản khu vực này phát triển tốt hơn trong tương lai", bà Trang nhận định.

Công Tâm