|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Biện pháp đối phó nếu Anh và EU không đạt thỏa thuận về Brexit

07:05 | 27/08/2018
Chia sẻ
Phí ngân hàng tăng cao, hải quan sẽ gặp rối loạn, giấy tờ sẽ rắc rối hơn. Đó là những nguy cơ nếu Vương quốc Anh không đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về thời kỳ hậu Brexit.
bien phap doi pho neu anh va eu khong dat thoa thuan ve brexit

Từ nay đến cuộc họp thượng đỉnh châu Âu vào tháng 10/2018, London và Brussels sẽ phải đạt được một thỏa thuận về việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Ảnh: TTXVN phát

Chính phủ Anh cuối tuần qua đã công bố các tài liệu phân tích những nguy cơ trên và đề ra các biện pháp đối phó.

Trên nguyên tắc, từ nay đến cuộc họp thượng đỉnh châu Âu vào tháng 10/2018, London và Brussels sẽ phải đạt được một thỏa thuận về việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), dự kiến vào ngày 29/3/2019.

Thế nhưng, các cuộc thương lượng hiện vẫn dậm chân tại chỗ, gây lo ngại là hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận cho thời kỳ hậu Brexit. Trong trường hợp đó, nước Anh sẽ phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có nghĩa là hàng hóa sẽ bị áp thuế trong giao thương với EU.

Tuy Bộ trưởng đặc trách Brexit Dominic Raab tuyên bố là khả năng này “rất khó xảy ra”, nhưng sự thật là London đã công bố 25 tài liệu kỹ thuật, trên tổng số 80 tài liệu dự trù từ nay đến cuối tháng Chín, để hướng dẫn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp Anh những gì cần phải làm trong trường hợp không đạt được thỏa thuận cho cuộc “chia tay” với EU.

Trước hết, dự kiến người dân nước Anh khi giao dịch, mua bán với các nước trong Liên minh châu Âu sẽ gặp tình trạng chi phí cao hơn và thủ tục chậm hơn. Phí sử dụng thẻ ngân hàng giữa nước Anh với EU cũng có thể tăng cao. Đặc biệt là mua hàng trên mạng sẽ tốn kém hơn, vì hàng hóa mua từ Liên minh châu Âu sẽ không còn được hưởng thuế giá trị gia tăng ở mức thấp.

Thứ hai, các doanh nghiệp Anh làm ăn với EU sẽ có chi phí tăng cao do thuế hải quan tăng và phải làm thêm nhiều giấy tờ. Vì vậy, chính phủ khuyến cáo các doanh nghiệp phải thương lượng lại hợp đồng để phù hợp với những thay đổi về thủ tục hải quan và thuế. Theo các tài liệu mới được Chính phủ Anh công bố, một cơ quan chuyên biệt sẽ được thành lập để giải quyết những “khiếu nại” của các doanh nghiệp, thay thế cho Ủy ban châu Âu. London trấn an là hải quan Vương quốc Anh sẽ cố gắng giảm thời gian và chi phí để các doanh nghiệp “làm ăn chính đáng”, nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra hải quan theo đúng quy định.

Thứ ba là về các dịch vụ tài chính. London khuyến cáo các khách hàng trong những nước thuộc Không gian Kinh tế châu Âu là họ sẽ không thể nhờ đến các dịch vụ của một ngân hàng đầu tư đặt tại nước Anh. Để tránh những rối loạn trong hoạt động, nhiều ngân hàng đầu tư của Anh đã lập các chi nhánh trong Liên minh châu Âu.

Nguy cơ rối loạn thứ tư là trong lĩnh vực dược phẩm. Nước Anh sẽ rời khỏi Cơ quan Dược phẩm châu Âu, nhưng trước mắt sẽ phải tiếp tục công nhận các kết quả thử nghiệm và các chứng nhận của Liên minh châu Âu để tránh phải làm hai lần thủ tục và cũng để tránh cho nguồn cung cấp không bị ngưng trệ. Hiện tại, về thuốc chữa bệnh, nước Anh đang có kho dự trữ an toàn cho 3 tháng và đang cùng với ngành dược phẩm nước này nâng khả năng của kho dự trữ lên 6 tháng.

Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến tin rằng cả “con thuyền Anh” và EU sẽ vững tay chèo để vượt qua thử thách lần này. Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen ngày 25/8 đã nói ông tin rằng Liên minh châu Âu sẽ có thể vượt qua những khó khăn của Brexit và khẳng định EU "sẽ không sụp đổ" vì sự ra đi của nước Anh. Thậm chí, nhà lãnh đạo Áo còn khẳng định tại Diễn đàn châu Âu Alpbach rằng “cuộc ly hôn” sẽ khiến 27 quốc gia thành viên còn lại của EU trở nên mạnh mẽ hơn.

P.Nga