Biển 'nuốt' resort do doanh nghiệp tự ý làm bờ kè
Dự án Côn Lôn Resort bị thu hồi vì nhiều sai phạm | |
Dự án khu resort Nam Ô vi phạm luật? |
Biển xâm thực vào các công trình, để vực sâu và mất luôn bờ biển ở một số resort phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết - Ảnh: Đức Trong |
Theo những người có cơ sở kinh doanh resort ở Hàm Tiến, Phan Thiết, trước Tết Nguyên đán mép nước biển còn cách khu vực đặt nhà hàng từ 30-50 mét.
Trên bãi tắm có bờ cát rộng, có sân bóng chuyền và nhiều không gian tổ chức hoạt động vui chơi. Nhưng kể từ sau tết, nước biển bắt đầu xâm thực, mạnh nhất là vào tháng 3 vừa qua.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, một số resort đã không còn bãi tắm, biển ăn vào sát mép các công trình xây dựng và để lại một vực sâu.
Thiệt hại nặng nhất là resort Suối Tiên - Mũi Né. Tại đây biển đã nuốt trôi một nhà hàng, một hàng cây dừa.
Không chỉ thiệt hại về tiền bạc, các resort mất mặt biển kinh doanh, thậm chí phải đóng cửa do không còn khách.
Biển đã “nuốt” một nhà hàng và hàng dừa tại resort Suối Tiên – Mũi Né ở phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết - Ảnh: Đức Trong |
Bà Cao Thị Hồng Ngọc (chủ resort Suối Tiên - Mũi Né) cho biết cơ sở của mình phải đóng cửa vì tình trạng xói lở.
Bà Ngọc buồn bả cho hay các đoàn khách nước ngoài đến đặt ở, nhưng khi thấy sóng biển đánh sát, gây sạt lở nên trả lại phòng và tìm nơi khác.
Còn resort Coco Beach cạnh đó cũng bị đánh văng hai hàng dù, ghế bố để du khách nằm nghỉ ngơi.
Theo bà Ngọc, cơ sở của mình có cách đây từ năm 2000 nhưng chưa bao giờ có hiện tượng này.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng xói lở nặng được cho là do các resort tự ý làm bờ kè, nhất là bờ kè hình chữ T lấn ra biển khiến cho dòng chảy bị thay đổi khiến cho cơ sở nào chư kịp xây kè thì bị biển "nuốt".
Điều này đã được UBND Phường Hàm Tiến thừa nhận, theo đó để ứng phó với tình trạng biển xâm thực, các chủ resort tự huy động nhân viên đóng cọc, chất bao cát, phủ đệm ta luy...
Tuy nhiên, những cố gắng, nỗ lực của họ cũng chỉ giảm nhẹ một phần, không thể chống nổi với sóng biển.
Theo UBND Bình Thuận, tại các điểm xói lở trên trước đây đã được quy hoạch công trình kè bảo vệ bờ biển dài 4km, sử dụng vốn doanh nghiệp để đầu tư.
Tuy nhiên do thiếu chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành liên quan nên dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp tự ý đầu tư xây kè không đúng thiết kế, quy chuẩn.
Cùng với đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên làm cho tình trạng xói lở ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các chủ cở sở du lịch huy động nhân viên ra gia cố tạm, ngăn chặn biển xâm thực - Ảnh: Đức Trong |
Bình Thuận đã chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, tình trạng các doanh nghiệp tự ý làm kè chống xói lở ven biển, và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh đối với các cơ sở tự ý làm kè không phù hợp, gián tiếp gây ra xói lở trong khu vực.
Về lâu dài, Bình Thuật yêu cầu phải tổ chức rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch công trình chống xói lở bờ biển đoạn qua các khu du lịch khu vực Hàm Tiến - Mũi Né.
Các chủ cở sở du lịch huy động nhân viên ra gia cố tạm, ngăn chặn biển xâm thực - Ảnh: Đức Trong |