|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Biên lợi nhuận gộp giảm sâu, thiếu vốn, bầu Đức bỏ lỡ loạt kế hoạch mảng 'heo ăn chuối'

16:46 | 19/02/2023
Chia sẻ
Biên lợi nhuận gộp mảng nuôi heo của HAGL đang có xu hướng có hẹp dần. Trong quý IV, biên lợi nhuận gộp của HAGL là 16% giảm mạnh so với con số 32% của quý trước đó và 25% của cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, đây cũng là quý ghi nhận biên lợi nhuận mảng nuôi heo thấp nhất từ trước đến nay.

Biên lợi nhuận giảm mạnh trong quý cuối cùng năm 2022

Tại buổi gặp mặt cổ đông diễn ra cách đây ít ngày, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL chia sẻ năm 2023 sẽ không đưa lợi nhuận nuôi heo vào mục tiêu tăng trưởng vì mảng này đang vào giai đoạn không có lời. Do đó, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của năm 2023 đạt 20 - 30% so với năm 2022.

“Nếu mảng heo có lời từ tháng 4 thì mức tăng trưởng lợi nhuận chung 50 - 70% là khả thi”, ông Đức nói.

Trên thực tế, biên lợi nhuận gộp mảng nuôi heo của HAGL đang có xu hướng có hẹp dần. Trong quý IV, biên lợi nhuận gộp của HAGL là 16% giảm mạnh so với con số 32% của quý trước đó và 25% của cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, đây cũng là quý ghi nhận biên lợi nhuận mảng nuôi heo thấp nhất từ trước đến nay.

 Số liệu: BCTC của HAGL, H.Mĩ tổng hợp

Trong thư gửi các cổ đông hồi tháng 12, ông Đức cho biết tình hình giá heo hơi duy trì ở mức thấp. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Trong quý IV, mảng heo hơi mang về doanh thu 676 tỷ đồng, tăng 25% so quý III và gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ đạt 110 tỷ đồng, giảm 36% so với quý III.  Trong cả năm 2022, mảng kinh doanh heo của HAGL đóng góp 33% doanh thu, đứng thứ hai, sau mảng trái cây (42%).

  Số liệu: BCTC của HAGL, H.Mĩ tổng hợp

Theo chia sẻ của ông Đức, hiện tại ngành heo vẫn đang trong tình trạng giá thấp, sức mua yếu. Nếu tình hình này tiếp diễn diễn, người dân chắc chắn bỏ chuồng. Trong khi đó, 70% nguồn cung thịt heo trên thị trường đến từ các hộ nông dân nhỏ lẻ, nếu bỏ chuồng quá nhiều, chu kỳ nguồn cung thịt heo thiếu hụt sẽ lặp lại. 

“Dự kiến tháng 4 - 5 giá sẽ phục hồi. Tuy nhiên, đó chỉ là hy vọng. Thị trường không thể nói trước được điều gì”, ông Đức nói. 

Giá heo hơi biến động mạnh trong năm 2022, đạt đỉnh vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8, dao động 70.000 - 72.000 đồng/kg. Đây cũng là lý do tại sao biên lợi nhuận gộp nuôi heo quý III đạt mức cao, khoảng 32%. Tuy nhiên sau đó, giá heo hơi sụt giảm vì nhu cầu chững lại. Giá heo hơi giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Trong giai đoạn cuối năm, giá heo hơi vẫn ở mức thấp. Giá heo hơi trung bình cả nước tiếp tục giảm trong nửa đầu tháng 12 và chững lại trong thời gian còn lại, dao động trong khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg. Như vậy, giá tại ba miền giảm khoảng 1,8 – 3.5% trong giai đoạn này.

 Biến động giá heo hơi trong năm 2022

Trước đó, bầu Đức khẳng định trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nhưng HAGL không “ngại” vì đã có 200 nghìn tấn chuối tươi cho heo. Thậm chí, giá thức ăn chăn nuôi càng cao, HAGL càng hưởng lợi bởi người dân nhỏ lẻ bỏ chuồng. 

Theo chia sẻ của lãnh đạo HAGL, chuối đóng góp 40% chi phí thức ăn chăn nuôi heo, còn lại 60% là từ đậu tương, vi chất, thảo mộc. Chi phí nuôi heo khoảng 38.000 đồng/kg trong khi các doanh nghiệp khác nuôi theo khép kín khoảng 50.000 đồng/kg. 

Trong năm nay, HAGL dự định trồng 2.000 ha ngô làm thức ăn cho heo, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước Nam Mỹ. 

Những mục tiêu còn dang dở

Theo kế hoạch năm 2022, HAGL sẽ có khoảng 200 cửa hàng và năm 2023 con số này nâng lên 1.000 cửa hàng kinh doanh mặt hàng heo ăn chuối này, bao gồm cả mô hình nhượng quyền, tập trung chủ yếu ở TP HCM và Hà Nội. Bên cạnh đó, công ty đặt mục tiêu sản lượng 1 triệu con heo. 

Tuy nhiên, đến hiện tại, mới chỉ có khoảng 60 cửa hàng phân phối thịt heo ăn chuối bao gồm cả cửa hàng nhượng quyền phân phối và cửa hàng do HAGL mở. Theo ông Đức, trong lộ trình mới, 80% chuỗi cửa hàng Bapi sẽ qua nhượng quyền vì không đủ vốn để tự mở. 

“Việc bỏ chi phí hàng nghìn tỷ đầu tư chuỗi là không khả thi với Bapi vì thiếu vốn. Đó cũng là lý do Bapi không hoàn thành kế hoạch. Ban đầu ông Lộc (Tổng Giám đốc Công ty CP Bapi HAGL) đề xuất ý tưởng xây dựng chuỗi nhưng đi được nửa đường tôi thấy không ổn”, ông Đức cho biết. 

Đối với kế hoạch nâng đàn heo lên 1 triệu con, ông Đức thừa nhận là “không hoàn thành nhiệm vụ” do thiếu vốn. Thất bại trong việc huy động 1.700 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trong khi giá heo hơi thấp khiến, nguồn tiền từ ngân hàng cũng không thể vay do nợ xấu, dẫn đến việc công ty không đủ vốn để thực hiện kế hoạch. 

Hiện tại công ty có 10 cụm chuồng trong đó 9 cụm ở Gia Lai và 1 cụm ở Campuchia. Nếu nuôi thành công, sản lượng tối đa được 600.000 con.

“Trong năm 2023, nếu có nguồn tiền thuận lợi, HAGL sẽ tiếp tục đầu tư thêm 6 cụm. Giấy phép có rồi, đất đai có rồi, chỉ thiếu nguồn tiền đầu tư. HAGL cũng không thể vay ngân hàng vì nợ xấu nên toàn bộ vốn phải tự lập cánh sinh bằng nhiều cách”, ông Đức nói. Ông cho biết sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu. 

Trong động thái mới đây, HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) vừa thông qua việc đăng ký mua 650.000 cổ phần trong tổng số 5 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành thêm của CTCP Bapi HAGL, tổng giá trị theo mệnh giá là 6,5 tỷ đồng.

Sau khi Bapi HAGL hoàn tất việc phát hành và tăng vốn, HAGL sẽ sở hữu 3,4 triệu cổ phần, tương đương 34% vốn tại Bapi HAGL. Lúc đó, Bapi HAGL sẽ không còn là công ty con của HAGL.

Thương hiệu heo ăn chuối Bapi HAGL được ra mắt vào tháng 3/2022 và đến cuối tháng 5/2022, HAGL thành lập công ty kinh doanh thịt heo có tên CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai, trong đó HAGL nắm 55% trong tổng vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

H.Mĩ