|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV muốn huy động thêm 9.000 tỷ đồng qua trái phiếu tín chấp dài hạn

10:52 | 31/12/2021
Chia sẻ
Trái phiếu phát hành đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo có kỳ hạn từ 7 - 10 năm.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa ra thông báo chào bán trái phiếu ra công chúng.

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành tổng cộng 90 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, được chia làm 2 đợt. 

Trong đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành 50 triệu trái phiếu với các kỳ hạn 7 năm, 8 năm và 10 năm. Trong đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành 40 triệu trái phiếu với kỳ hạn tương tự. Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất của trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 0,5 - 1 %/năm tuỳ loại.

BIDV muốn huy động 9.000 tỷ đồng qua trái phiếu  - Ảnh 1.

Nguồn: BIDV.

Phía ngân hàng cho biết mục đích phát hành trái phiếu là để tăng quy mô vốn hoạt động của ngân hàng, tạo thêm kênh thu hút vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng, đảm bảo sự bền vững nguồn vốn của ngân hàng.

Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn ngân hàng và cho vay nền kinh tế đối với nhiều ngành nghề như sản xuất, phân phối điện, công nghiệp, thương mại công nghiệp, ...

BIDV muốn huy động 9.000 tỷ đồng qua trái phiếu  - Ảnh 2.

Các ngành nghề cho vay dự kiến. (Nguồn: BIDV).

Mới đây, tại Hội nghị triển khai ngành ngân hàng 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết tính đến 29/12, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt hơn 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 12%. Mức tăng trưởng này cũng  bằng đúng hạn mức tín dụng BIDV được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm đợt cuối năm vừa qua.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,5%, giảm nhẹ so với mức 1,6% hồi cuối tháng 9 theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III.

Ngày 24/12, BIDV cũng chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhận còn lại các năm trước.

Cụ thể, ngân hàng chi hơn 804 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 2% (mỗi cổ phiếu sở hữu nhận được 200 đồng) và phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu theo tỷ lệ 25,77%. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt là ngày 24/1/2022. Sau khi chia xong, vốn điều lệ của BIDV tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng.

Phương Nga

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.