|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bia Hà Nội đã được bán tại siêu thị Nhât, còn quả vải vì sao vẫn chưa thể vào được siêu thị nơi đây?

19:03 | 19/11/2018
Chia sẻ
Người Nhật Bản rất yêu quý hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, phải đáp ứng rất nhiều vấn đề kỹ thuật thì mới có thể giới thiệu và bán được hàng Việt Nam tại hệ thống Aeon ở Nhật.
 

Không phải sản phẩm nào xuất khẩu của Việt Nam thì cũng đều vào được siêu thị Aeon

Tại hội nghị Tiếp cận trực tiếp kênh phân phối nước ngoài đầu ra cho sản phẩm Việt, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA), cho hay có rất nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi về việc tại sao sản phẩm của họ xuất khẩu được sang Nhật nhưng lại không thể đặt chân vào hệ thống 40 siêu thị Aeon Mall.

Bà Mai Anh chia sẻ, năm 2017, sản phẩm của Việt Nam mang triển lãm tại siêu thị Aeon Saitama (siêu thị Aeon lớn nhất của Tập đoàn) và được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá có chất lượng tốt. Phía HPA tổ chức các cuộc gặp gỡ cho 50 doanh nghiệp Việt Nam với khoảng 100 nhà cung cấp hàng hóa của Aeon, và có được 200 lượt giao dịch được kết nối.

Tuy nhiên, kết quả ghi nhận phía Aeon đánh giá hàng Việt Nam rất tốt nhưng để vào được hệ thống siêu thị tại Nhật lại là câu chuyện khác. “Chỉ có 1 đến 2 sản phẩm Việt được Aeon để ý ở mức độ cần cho nhập hàng vào siêu thị. Nhưng khi đến xem cơ sở sản xuất thì hầu như không có tín hiệu tốt.

Bởi cơ sở của Việt Nam không thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để vào được hệ thống Aeon, có thể sản phẩm đó của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật nhưng để vào được siêu thị Aeon thì câu chuyện cần phải đi sâu hơn”, bà Mai Anh cho biết.

Theo đó sang năm nay, trên cơ sở hướng dẫn các kỹ thuật cho khoảng 26 doanh nghiệp tham dự tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon ở Nhật Bản, vấn đề được đặt ra là không phải sản phẩm nào xuất khẩu của Việt Nam thì cũng đều vào được siêu thị. “Đơn cử quả vải của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Nhật nhưng không thể vào được siêu thị. Rất nhiều doanh nghiệp đặt ra các câu hỏi như vậy”, bà Mai Anh nói.

Để vào được siêu thị buộc doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí của Tập đoàn Aeon chứ không phải mỗi tiêu chuẩn của chính phủ Nhật. Bà Mai Anh lấy ví dụ về việc trình diễn trà Việt tại Nhật, ngoài chất lượng trà thì bản thân người nghệ nhân pha trà còn phải đạt được những tiêu chí về sức khỏe được Bộ Y tế Nhật Bản cấp chứng nhận. “Tập đoàn Aeon đặt tiêu chí người tiêu dùng lên hàng đầu”, đại diện HPA cho biết.

bia ha noi da duoc ban tai sieu thi nhat con qua vai vi sao van chua the vao duoc sieu thi noi day

Có 6 sản phẩm Việt Nam đã được xuất vào 40 siêu thị Aeon ở Nhật Bản

Hiện nay, có 6 sản phẩm Việt Nam đã được xuất vào 40 siêu thị Aeon ở Nhật Bản gồm bia Hà Nội, bánh gạo, bánh đa Bích Chi, cà phê, chè, bún khô và nhận được tín hiệu tốt từ người tiêu dùng nước này.

“Người Nhật Bản rất yêu quý hàng của Việt Nam, và các sản phẩm này chúng tôi kèm theo hướng dẫn cách nấu, chế biến, chúng tôi còn làm bộ gỏi cuốn Nhật Bản bằng bánh đa Việt Nam. Phải đáp ứng rất nhiều vấn đề kỹ thuật thì mới có thể giới thiệu và bán được hàng Việt Nam tại Aeon”, bà Mai Anh chia sẻ.

Kế hoạch 2019, HPA lựa chọn doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp để hỗ trợ đưa hàng bán được tại Aeon Nhật Bản.Theo kế hoạch, chương trình tuần hàng Việt Nam tại Aeon Nhật Bản sẽ diễn ra vào tháng 6/2019, sẽ có 30 doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá sản phẩm (không được bán hàng), được Aeon để ý nhưng chưa đủ điều kiện đề vào bán tại siêu thị. Do đó, đoàn sẽ tiếp tục quảng bá để xác định chắc chắn về nhu cầu của Aeon.

Đối với những doanh nghiệp đang bán hàng trực tiếp tại Aeon ở Nhật, HPA sẽ đẩy mạnh thêm mặt hàng hoa quả, rau, cà phê hương vị trái cây hoặc organic. Phía Aeon bày tỏ mong muốn đưa bắp cải Việt Nam vào siêu thị, ngoài ra xoài cũng có triển vọng nhập bán tại đây, bà Mai Anh cho biết thêm.

Hiện HPA đang cùng Aeon rà soát việc chọn lựa sản phẩm của doanh nghiệp, sau đó có chương trình tập huấn riêng cho doanh nghiệp tham gia tuần hàng. Từ cách thức bày biện, tiếp cận, làm việc với nhà nhập hàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng, truyền thông quảng bá, trưng bày giao dịch…

Phía Aeon hoàn toàn miễn phí gian hàng, các doanh nghiệp của Hà nội được thành phố hỗ trợ nhiều hơn tỉnh thành khác, nhưng quan trọng nhất là được hỗ trợ bởi truyền thông từ báo chí Nhật Bản, Việt Nam. Hà Nội cử những nghệ nhân ẩm thực sang, hay phía Nhật bản bố trí đầu bếp chế biến sản phẩm Việt Nam. Phần trang trí trưng bày đều do Aeon và HPA chuẩn bị, doanh nghiệp chỉ chịu chi phí đi lại của chính doanh nghiệp, đại diện HPA thông tin.

Chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu

Tại Hội thảo, đại diện của CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang cho hay mỗi tháng, công ty xuất sang Nhật 3 – 5 container bánh phồng tôm và sản phẩm từ gạo, tuy nhiên để công ty có thể đưa sản phẩm vào Aeon ở Nhật thì cần đáp ứng những tiêu chí ra sao.

Giám đốc top value của Aeon Việt Nam cho biết, để có thể đưa hàng vào Aeon ở Nhât, cần phải xem xét sản phẩm có thích hợp với người tiêu dùng Nhật Bản hay không. Bên cạnh đó, sản phẩm phải đáp ứng cơ bản 3 yêu cầu liên quan đến COC (gồm những quy định không vi phạm về sử dụng lao động trẻ em, cưỡng chế lao động, không trả tiền công cho lao động); đánh giá nhà máy; OHSAS hay ISA 9000, ICO 9000, Aeon sẽ tham chiếu các chuẩn này nhưng không được mặc nhiên thỏa mãn các chuẩn của Aeon. Ngoài ra, sản phẩm còn phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Nhật Bản.

Trường hợp nhà máy doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của Aeon tại Việt Nam hoặc một khách hàng tại Nhật Bản, nhưng không đồng nghĩa với việc đáp ứng được yêu cầu của Aeon tại Nhật Bản, bởi các tiêu chuẩn này khác nhau. Tuy nhiên, vẫn là cơ hội để doanh nghiệp được Aeon để mắt đến.

Phía Aeon cho rằng, không khó để đạt được các tiêu chuẩn bởi đang có rất nhiều hàng hóa Việt Nam đang bán tại Aeon ở Nhật như hàng may mặc, da dụng, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe.

Người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá sản phẩm dựa trên chất lượng. Do đó, một sản phẩm chất lượng tốt dù bán giá cao vẫn được đón nhận hơn là sản phẩm chất lượng thấp mà giá rẻ.

Tập đoàn Aeon thành lập từ năm 1758, hiện là một trong những nhà bán lẻ lâu đời và lớn nhất trên thế giới, với 179 liên doanh, gần 17.000 trung tâm thương mại, cửa hàng trong và ngoài Nhật Bản.

Aeon Saitama là siêu thị Aeon lớn nhất của Tập đoàn với diện tích sàn 394 nghìn m2, diện tích khuôn viên 340 nghìn m2, diện tích cho thuê 183 nghìn m2.

Xem thêm

Phương Nam