|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bí thư Hà Nội: Người dân không nên mua gom hàng hóa, siêu thị, chợ dân sinh vẫn hoạt động

10:10 | 19/07/2021
Chia sẻ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết TP tiếp tục duy trì hoạt động trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh và tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Trong cuộc trao đổi với báo chí sáng 19/7, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý người dân không nên mua gom hàng hóa, chỉ cần mua đủ dùng, vì các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh vẫn được phép hoạt động và thành phố đã tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Về một số biện pháp thời gian tới, Bí thư Hà Nội đề nghị các cơ quan TP thông tin rõ ràng giúp người dân bình tĩnh, không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ. 

Nhấn mạnh giải pháp quyết định để đẩy lùi dịch COVID-19 vẫn là vắc xin, Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo ngành y tế sẵn sàng phương án tiếp nhận và sử dụng khi được Chính phủ phân bổ vắc xin. TP cần lên phương án lập tiêm chủng cố định và lưu động với 1.200 dây chuyền tiêm và 100 tổ cấp cứu lưu động.

Bí thư Hà Nội: Người dân không nên mua gom hàng hóa, siêu thị, chợ dân sinh vẫn hoạt động - Ảnh 1.

Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, (Ảnh: Giang Trịnh).

Trước đó chiều tối ngày 18/7, UBND TP Hà Nội ra công điện về tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch COVID-19. Lãnh đạo TP yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Người dân thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

TP dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Chỉ nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. TP yêu cầu giảm 50% công suất hoạt động và 50% số ghế trên phương tiện vận chuyển hành khách công cộng.

Cơ quan, công sở, công ty, doanh nghiệp xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca. Cơ quan, đơn vị thuộc TP bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức; người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công.

Về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu, trong buổi làm việc chiều 18/7, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện nay nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%, trong điều kiện sức mua tăng nóng vài ngày thì nguồn hàng vẫn dồi dào. 

Hầu hết các hệ thống đều chủ động nguồn hàng, kho dự trữ tại các tỉnh, dự trữ tại các hệ thống phân phối, tăng đối đa hệ thống dự trữ tại các siêu thị nên người dân không phải lo lắng đi mua hàng tích trữ gây mất ổn định thị trường.

Với phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ” và 3 sẵn sàng “Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động yêu cầu các doanh nghiệp tích trữ lượng hàng hóa 17 nhóm thiết yếu trong thời điểm có dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường.

Theo đó, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.

Đồng thời, ngành công thương thành phố xây dựng kịch bản 3 cấp độ theo các mức độ lây lan của dịch với tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo các cấp độ.

Đó là cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên tổng trị giá lượng hàng hóa là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 5.359,05 tỷ đồng.

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam. Tại Hà Nội, những ngày gần đây liên tục xuất hiện các ổ dịch mới tại huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm. Từ đợt dịch thứ 4, TP ghi nhận tổng 437 ca mắc COVID-19.

Anh Đào