Bí thư Hà Giang: 'Làm sao để khi cầm tiền rồi, chủ đầu tư phải sợ'
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Đặng Quốc Khánh
Sáng 18/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. ĐBQH Sùng Thìn Cò (Hà Giang) đánh giá, về thẩm định, phê duyệt quy hoạch, thông báo công khai minh bạch về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch thì chúng ta làm tốt rồi. Nhưng khâu yếu được chỉ ra là quy hoạch chưa đầy đủ. Thẩm định quy hoạch nhiều khi chỉ làm trên hồ sơ mà chưa xuống thực tế.
Khi phê duyệt rồi, việc thông báo công khai cũng chưa đầy đủ, quá trình tổ chức thực hiện chưa kịp thời nên vướng mắc nhiều. Dẫn đến khi thực hiện những dự án lớn, đòi hỏi giải phóng mặt bằng đã động chạm đến lợi ích của người dân, gặp khó khăn trong công tác đền bù, có những dự án đền bù còn lớn hơn tiền đầu tư, nên thất thoát lớn”, đại biểu tỉnh Hà Giang phân tích.
Tướng Sùng Thìn Cò cho rằng, cần phải thông báo để người dân, cơ quan, tổ chức được biết thông tin về quy hoạch, tránh việc quy hoạch chồng chéo, gây bức xúc, khó khăn trong việc thu hồi sau này. Hay như suất đầu tư của chúng ta thường cao hơn so với các nước trong khu vực, vậy nguyên nhân là gì?
“Các Bộ trưởng trả lời do địa chất phức tạp, khó xử lý, nhưng thực ra cũng nhiều nước địa hình, địa chất như mình. Cần tính toán giá sát với thực tế để tránh thất thoát nguồn vốn đầu tư của nhà nước”, ông đề nghị.
Đại biểu nguyên là Phó Tư lệnh Quân khu 2 cũng cho rằng, từ quy hoạch đến thực hiện dự án, kết thúc và đưa công trình vào khai thác sử dụng, hầu hết các dự án đều phát sinh chi phí.
“Không có dự án nào tiêu không hết tiền, bao nhiêu dự phòng đều hết cả, thậm chí còn vượt tổng mức đầu tư mấy trăm phần trăm mà công trình kéo dài lê thê, chục năm không hoàn thành. Nhưng không quy định rõ trách nhiệm chủ đầu tư, cấp trên của chủ đầu tư, các nhà thầu, các bên liên quan. Đây là những mầm mống làm bức xúc trong xã hội, gây mất uy tín trong nhân dân”, ông Sùng Thìn Cò.
Tại sao công trình thất thoát mà vẫn an toàn?
Cũng theo ĐBQH Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn), Luật Xây dựng giao Chính phủ hướng dẫn rất nhiều, nhưng tại sao nhiều công trình định suất đầu tư lớn, thất thoát lớn vẫn được kết luận “tuyệt đối an toàn”?
“Có người nói do luật chúng ta thiết kế các tiêu chuẩn an toàn quá cao nên bớt đi rồi vẫn an toàn. Không biết hiểu như thế có đúng không khi mà thanh, kiểm tra công trình thì có thất thoát mà công trình đó vẫn đảm bảo an toàn. Tại sao gây thất thoát mà vẫn an toàn?”, đại biểu này đề nghị đưa vấn đề này vào luật để quản lý chặt chẽ, chống thất thoát.
Cũng liên quan đến vấn đề thất thoát trong đầu tư công, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh lấy ví dụ về tính toán giá vật liệu xây dựng khi làm công trình giao thông. Giá vật liệu và giá đất san nền thì lấy tại mỏ và tính khoảng cách từ mỏ đến công trình xây dựng. Khoảng cách bao nhiêu cộng với giá gốc tại đấy là ra.
Nhưng thực chất có tình trạng “đất tặc”, “cát tặc” bởi ra thực tế công trình người ta thi công thấy ở đâu gần thì mua ở đấy. Lại không ai kiểm soát chuyện khoảng cách bao nhiêu cây số để ra giá xây dựng. Cho nên vừa thất thoát vừa tạo điều kiện khai thác trộm khoáng sản”, ông phân tích.
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang đề nghị cần làm rõ quy trình thẩm định đầu tư, chất lượng công trình và trách nhiệm của chủ đầu tư. “Lúc làm thì ai cũng cứ muốn làm chủ đầu tư, nhưng đến khi công trình có vấn đề thì không có quy định xử phạt. Phải làm sao khi cầm tiền rồi thì chủ đầu tư phải sợ và đảm bảo trách nhiệm. Đằng này chủ đầu tư cứ làm mà công trình thì cứ xuống cấp”, ông nhấn mạnh.