Bí thư Đà Nẵng nói về việc xét xử kín ông Phan Văn Anh Vũ
Sáng 24/7, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có buổi gặp mặt 40 cán bộ hưu trí đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thái Phiên.
Hội viên Đặng Vân thắc mắc vì sao phiên xử Phan Văn Anh Vũ vào ngày 30/7 tới phải xử kín và xử ở đâu? "Nhưng dù xử kín cũng phải công khai kết quả, nội dung cho người dân biết. Ở Đà Nẵng, những ai liên quan đến Vũ Nhôm người dân biết cả rồi, nên phải xử nghiêm để lấy lại niềm tin", ông Vân nói.
Hội viên Đặng Vân đặt câu hỏi với Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Vân đề nghị lãnh đạo thành phố rút kinh nghiệm trong việc quản lý nhà nước trên địa bàn, khi để nảy sinh nhiều bất cập phải giải quyết trong thời gian qua, như giao đất cho các nhà đầu tư bít hết lối xuống biển, giờ lại phải đi xin họ nhượng lại từng mét đất mở lối xuống biển cho dân; sai phạm trong xây dựng các công trình cao tầng; sân vận động Chi Lăng...
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa thông tin, trong hai ngày 30-31/7 TAND TP Đà Nẵng sẽ xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ và vì "làm lộ bí mật nhà nước nên phải xử kín". Khi tuyên án, tòa sẽ công khai và chắc chắn báo chí sẽ đưa tin để người dân cả nước được biết.
Ông Nghĩa cho biết, sau phiên xử về tội Làm lộ bí mật nhà nước, ông Phan Văn Anh Vũ sẽ tiếp tục bị đưa ra xét xử về hai tội danh khác là "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" và "Trốn thuế".
"Ảnh hưởng của Vũ Nhôm đối với Đà Nẵng thời gian qua là rất lớn, mong rằng qua đây chúng ta rút ra những bài học", ông Nghĩa nói và cho biết vụ án Vũ "Nhôm" không chỉ liên quan đến Đà Nẵng mà còn nhiều cơ quan Trung ương và địa phương khác. Trong đó sai phạm rất lớn liên quan đến mua bán đất công.
"Vũ Nhôm và Út Trọc là hai nhân vật đều có kế hoạch bị xét xử trong tháng 7 này", ông Nghĩa thông tin.
Lấy lại sân Chi Lăng phải tuân thủ quy định pháp luật
Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết, Đà Nẵng đang muốn thương lượng lấy lại sân vận động Chi Lăng. Có quyết tâm, chính quyền thành phố sẽ làm được. Nhưng quy trình không đơn giản vì đây là tàn sản đang gắn với việc thi hành án liên quan đến đại án Phạm Công Danh.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi nói chuyện với CLB Thái Phiên. Ảnh: Nguyễn Đông.
Cho rằng sân vận động Chi Lăng không chỉ là "chảo lửa" mà còn gắn với lịch sử đấu tranh của Đảng bộ Đà Nẵng (nơi UBND Cách mạng lâm thời thành Thái Phiên mít tinh mừng thắng lợi ngày 28/8/1945; chiến sĩ Lê Độ bị Mỹ bắn hy sinh...), ông Nghĩa nói lấy lại sân Chi Lăng là "ao ước" của người dân và lãnh đạo thành phố bây giờ.
"Nhưng lấy lại sân Chi Lăng cũng phải tuân thủ theo quy trình của pháp luật. Thành phố sẽ phải trải qua quá trình đấu tranh pháp lý. Quyết tâm của Ban thường vụ Thành ủy đề ra vấn đề không quá xa vời mà hoàn toàn nằm trong khả năng cho phép, nhưng phải làm chặt chẽ để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng", ông Nghĩa nói thêm.
Sân vận động gồm 4 mặt tiền tại trung tâm thành phố được UBND TP Đà Nẵng giao cho Tập đoàn Thiên Thanh làm khu phức hợp thương mại - dịch vụ từ năm 2010, với diện tích gần 6 ha. Sau khi Phạm Công Danh bị bắt (tháng 7/2014), dự án bị treo và đang chờ định đoạt số phận.
Một số đảng viên bị loại khỏi quy hoạch cán bộ
Chia sẻ về khắc phục những sai phạm sau kết luận 292 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nghĩa cho biết bốn nội dung thành phố đã thực hiện nghiêm. Riêng hai nội dung về công tác cán bộ và quản lý đất đai đang vướng rất nhiều vấn đề.
Vừa qua Thành ủy đã sửa đổi một số quy chế làm việc của Ban chấp hành Thường vụ; thu hồi, hủy bỏ một số văn bản của Ban thường vụ và Thường trực Thành ủy có nội dung không đúng quy định pháp luật; kỷ luật 5 ủy viên Ban chấp hành đảng bộ phố (3 cảnh cáo, 2 khiển trách).
Về công tác cán bộ, ông Nghĩa thông tin vừa qua "một số đồng chí đã bị loại ra khỏi danh sách" vì lý do tuổi và các tiêu chí về phẩm chất. "Cái dở nhất ở đây là các đồng chí khi họp kiểm điểm thì cứ vì đồng chí, đồng đội, tình thương với nhau nên khi bỏ phiếu thì ai cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đến không có cơ sở loại người yếu kém ra khỏi danh sách", ông nói.
Theo ông, nếu những đảng viên kỳ cựu khi bỏ phiếu vẫn giữ tâm lý cả nể, sợ anh em bị ảnh hưởng thì người dân không biết trông cậy vào ai. Câu chuyện trầm kha ở Việt Nam đó là đã vào thì không có ra, đã lên là không có xuống. Do đó, khi kiện toàn quy hoạch đội ngũ lãnh đạo cần thực hiện song song với quy chế luân chuyển, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ.
Phan Văn Anh Vũ, 43 tuổi, là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. Ngày 21/12/2017, ông Vũ bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội "Làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", theo điều 263 Bộ luật Hình sự 1999. Ngày 4/1, ông Vũ bị đưa về Hà Nội sau nhiều ngày trốn lệnh truy nã tại Singapore. Mới đây nghi phạm này bị khởi tố thêm tội danh "Trốn thuế" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".