|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bí quyết xây dựng tính dẻo dai để đạt thành công trong năm mới

15:06 | 06/02/2020
Chia sẻ
Tính dẻo dai và sức chịu đựng bền bỉ từ lâu đã trở thành phẩm chất thiết yếu để đạt tới thành công trong bất cứ lĩnh vực nào.

Hiện nay, khoảng 25% người lao động xem công việc là yếu tố gây căng thẳng số một trong cuộc sống, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định căng thẳng là đại dịch sức khỏe toàn cầu của thế kỷ 21.

Nhiều người trong chúng ta đang làm việc trong những nền văn hóa đòi hỏi không ngừng nỗ lực, luôn luôn yêu cầu cao, khiến tình trạng căng thẳng và nguy cơ kiệt sức lan rộng. Vì tốc độ và cường độ của văn hóa làm việc hiện đại sẽ không thay đổi, điều quan trọng hơn bao giờ hết là xây dựng kĩ năng thích nghi và tính dẻo dai để điều hướng cuộc sống công việc của bạn một cách hiệu quả.

Và làm thế nào chúng ta phát triển sự dẻo dai và duy trì động lực khi đối mặt với căng thẳng, tiêu cực kéo dài và không ngừng gia tăng nhu cầu, sự phức tạp và thay đổi? Dưới đây là một số lời khuyên, dựa trên các nghiên cứu về khoa học thần kinh, hành vi và doanh nghiệp mới nhất, theo Harvard Business Reviews.

Thiền định

Mọi người trong giới kinh doanh đang ngày càng chú ý đến các hoạt động rèn luyện tinh thần gắn liền với chánh niệm hay thiền định. Các nhà tâm lí học xã hội Laura Kiken và Natalie Shook đã phát hiện ra rằng thiền định có thể giúp các phán đoán và cách giải quyết vấn đề của chúng ta chính xác hơn nhờ tầm nhìn sâu sắc.

Các nhà thần kinh học nhận thức Peter Malinowski và Adam Moore nhận thấy chánh niệm cải thiện đáng kể sự linh hoạt về nhận thức. Trong môi trường làm việc năng động, các nhà tâm lí học doanh nghiệp như Erik Dane và Bradley Brummel kết luận chánh niệm là điều kiện lí tưởng để tăng hiệu suất công việc, chiếm vai trò lớn trong cả 3 khía cạnh của tính tương tác trong công việc: tính dẻo dai, sự cống hiến và khả năng học hỏi.

Bí quyết xây dựng tính dẻo dai để đạt thành công trong năm mới - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: doanhnhansaigon).

Ngăn chặn tiếp nhận thông tin vô thức

Chúng ta nhận được 11 triệu bit thông tin/ giây nhưng trung tâm tư duy và điều hành của bộ não con người chỉ có thể xử lí hiệu quả 40 bit thông tin, theo Shawn Achor, đồng sáng lập Viện nghiên cứu tích cực ứng dụng và tác giả cuốn Happy Advantage. 

Theo nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, công việc ngăn chặn rất hữu ích khi bạn cân nhắc rằng việc chuyển đổi từ một loại nhiệm vụ này sang một nhiệm vụ khác gây khó khăn cho việc điều chỉnh sự mất tập trung và giảm năng suất tới 40%. 

Điều này đồng nghĩa với việc ngăn chuyển hướng tập trung nhiều nhất có thể. Giải pháp này có thể bị xem là quá đáng đối với một số người nhưng lại tạo ra điều kiện tối ưu để xử lý thông tin hiệu quả và đưa ra quyết định chất lượng trong khi giảm tải nhận thức và căng thẳng.

Nghỉ ngơi

Trong suốt cả ngày làm việc, điều quan trọng là phải chú ý đến các đỉnh và đáy năng lượng cũng như năng suất do chúng ta tạo ra. Điều mà các nhà tâm lí học sức khỏe gọi là sóng siêu âm của con người (hàng giờ) trái ngược với nhịp sinh học (hàng ngày). 

Sự tập trung tinh thần, sự sáng suốt và chu kì năng lượng thường chỉ kéo dài trong khoảng 90-120 phút. Do đó, rời khỏi công việc chỉ vài phút để nạp lại năng lượng và tinh thần tập trung là rất hữu ích.

Phát triển khả năng thích nghi

Có thể không cần quá nhiều nỗ lực để thay đổi hệ thống cảm xúc bản thân, đưa chúng ta sang giai đoạn xử lí trải nghiệm căng thẳng để phản hồi thay vì phản ứng bốc đồng với bất kì tình huống khó khăn hoặc người nào gây khó chịu. 

Các yếu tố tạo nên tính linh hoạt này phụ thuộc vào khả năng quản lí một cách hiệu quả các tác nhân tạo nên căng thẳng. Bạn không cần phải phủ nhận hay nhấn mạnh sự thật rằng chúng ta đang cảm thấy căng thẳng mà chính xác hơn, hãy tạm dừng, quan sát trải nghiệm từ vị trí trung lập và sau đó, cố gắng giải quyết vấn đề.

Sự thấu hiểu

Một trong những khía cạnh dễ bị bỏ qua nhất trong bộ kĩ năng phục hồi là khả năng trau dồi lòng trắc ẩn, bao gồm cả lòng tự trọng cá nhân và lòng trắc ẩn dành cho người khác. Theo nghiên cứu được trích dẫn bởi Trung tâm Khoa học UC Berkeley, lòng trắc ẩn làm tăng cảm xúc tích cực, tạo mối quan hệ công việc lành mạnh và tăng cường tính hợp tác.

Thấu cảm và hiệu quả kinh doanh không loại trừ lẫn nhau. Thay vào đó, thành công của mỗi cá nhân, nhóm và tổ chức dựa trên văn hóa làm việc biết lắng nghe và đồng cảm của con người.

Cuối cùng, chúng ta có thể kết luận rằng hàng loạt các kĩ năng và hành vi giúp cải thiện khả năng chịu đựng và tinh thần dẻo dai tại nơi làm việc là một khoản đầu tư tốt.

Tự cân bằng và vươn lên là kĩ năng sẽ rất bổ ích cho bạn trong một thế giới làm việc ngày càng căng thẳng và các công ty sẽ được hưởng lợi từ một lực lượng lao động kiên trì, bền bỉ hơn. Xây dựng văn hóa tổ chức khuyến khích và hỗ trợ đào tạo tính bền bỉ sẽ là nền tảng thúc đẩy kinh doanh mạnh mẽ.

Thu Phương