[Banker cuối tuần] 6 dấu hiệu cho thấy bạn sẽ thăng tiến nhanh chóng trong năm 2020
Trong suốt sự nghiệp của chúng ta, có nhiều cơ hội vô cùng hấp dẫn xuất hiện từ cả bên trong và bên ngoài công ty nhưng yêu cầu trình độ kiến thức, kĩ năng hoặc kinh nghiệm hiện tại.
Nghiên cứu từ Hewlett Packard cho thấy phụ nữ có xu hướng không xin việc trừ khi họ đủ tiêu chuẩn 100% trong khi nam giới sẽ sẵn sàng thử sức ngay cả khi họ chỉ đạt 60%.
Khảo sát sau đó cho thấy sự khác biệt này không phải do phụ nữ thiếu tự tin về khả năng của họ mà vấn đề nằm ở niềm tin về các quy tắc tuyển dụng hiện nay như bằng cấp bắt buộc, số năm kinh nghiệm...
Khi nắm được những mong muốn của nhà tuyển dụng và nhận thấy kĩ năng hoặc kinh nghiệm bản thân phù hợp, thử sức với công việc hay vị trí mới là điều không còn gì phải băn khoăn. Nhưng làm thế nào để bạn biết được điều đó?
Để thực hiện đánh giá này, hãy xem xét 6 yếu tố sau, theo Harvard Business Reviews (HBR):
Những người khác xem bạn là một ứng viên đáng tin cậy
Có rất nhiều “điểm mù” khiến bạn không tự nhận thấy những phẩm chất, tài năng hoặc tiềm năng của mình mà người khác lại hiểu được. Hơn nữa, trong quá trình phấn đấu đạt vị trí cấp cao hơn, bạn có thể mắc hội chứng “kẻ mạo danh” và bắt đầu nghi ngờ khả năng hoặc trình độ bản thân.
Trên thực tế, nếu các đồng nghiệp hiện tại hoặc trước đây, quản lí, cố vấn hoặc bạn bè tin rằng bạn có thể thực hiện công việc và khuyến khích bạn thử sức thì dù bạn có đang nghi ngờ chính mình, rất có thể bạn hoàn toàn xứng đáng với điều đó.
Bạn cảm thấy lo lắng nhưng không quá nhiều
Bất cứ thử thách mới nào đến đều đi kèm với một chút lo lắng. Việc cảm thấy sợ hãi đôi chút nhưng chủ yếu là phấn khích khi nghĩ về triển vọng mới chính là dấu hiệu tích cực cho thấy đây là cơ hội tốt cho bạn.
Vị trí cao hơn hay mức lương lớn hơn đều tỉ lệ thuận với trách nhiệm và quyền quyết định có ảnh hưởng lớn, thay vì các nhiệm vụ cá nhân như trước. Chính sự phấn khích về nhiệm vụ và cơ hội xây dựng một thứ gì đó mới sẽ là động lực đẩy bạn vượt qua sợ hãi và biết rằng đó là vai trò phù hợp với mình.
Bạn có thể nhìn nhận những trải nghiệm cũ rõ ràng và mạch lạc
Để xây dựng một dòng thời gian rõ ràng về con đường sự nghiệp của bạn cho đến nay và tiến triển nghề nghiệp mong muốn trong tương lai, bạn cần phải liên kết một cách mạch lạc những gì bạn đã làm, vị trí bạn từng giữ và dự định tương lai.
Từ đó, hãy khẳng định rằng vị trí mới là mục tiêu phù hợp và độc đáo trong dòng thời gian của bạn, cho thấy một quỹ đạo nghề nghiệp hợp lý. Herminia Ibarra, tác giả cuốn Working Identities, từng gợi ý cách tạo ra cảm giác tái hoặc diễn giải lại mọi thay đổi nghề nghiệp trong quá khứ thành những câu chuyện hấp dẫn.
Nếu bạn không thể tạo ra một câu chuyện hấp dẫn, có ý nghĩa với bạn và những người khác thì có thể bạn chưa sẵn sàng cho vị trí mới cao hơn.
Bạn từng chấp nhận thách thức và thành công
Có những trải nghiệm tương tự trong quá khứ không chỉ khiến bạn trở thành ứng viên hấp dẫn hơn với nhà tuyển dụng mà còn giúp bạn nhìn nhận khả năng bản thân chính xác, giúp bạn sớm thăng tiến trong tương lai.
Những thách thức trước đây mà bạn đã giải quyết càng lớn, bạn càng cảm thấy tự tin vào khả năng giải quyết những thách thức của vị trí mới mà bạn đang xem xét. Hơn nữa, những chiến lược bạn từng sử dụng đều có thể đem lại lợi ích cho các tình huống mới.
Bạn tin tưởng vào sự linh hoạt của mình
Dù bạn có thể có ít hoặc không có kinh nghiệm trong một số khía cạnh nhất định của công việc, khả năng tiếp cận đúng người, đặt câu hỏi đúng thời điểm và không e ngại tận dụng mạng lưới quan hệ cá nhân là chìa khóa thành công trong hầu hết các trường hợp.‘
Vì vậy, trừ khi bạn đang xin việc tại NASA, còn lại mọi vị trí đều như nhau. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm về luật lao động và các tiêu chuẩn khác của HR, hãy nhớ rằng bạn có thể thuê ngoài những chuyên ngành mà mình chưa rõ. Ngoài ra, những mối quan hệ cá nhân hoặc cố vấn bên ngoài sẽ trở thành nguồn lực hỗ trợ quý giá cho bạn.
Bạn có sự hỗ trợ thích hợp để thành công
Như bất kì cơ hội mới nào, một cách để xác định liệu đây có phải công việc phù hợp hay không là nhìn nhận những gì nó cung cấp cho bạn hoặc các nguồn lực bạn đang sở hữu. Điều này bao gồm khả năng xây dựng đội ngũ phù hợp, ngân sách đạt tiêu chuẩn và thẩm quyền ra quyết định để hoàn thành dự án.
Bạn không thể biết được những điều này cho đến khi bạn tham gia buổi phỏng vấn nhưng làm rõ các nguồn lực được cung cấp sẽ là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đây là vị trí phù hợp hay một cú rơi tự do từ đỉnh cao.
Sự hỗ trợ cần thiết để bạn thành công cũng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của bạn. Nếu công việc đòi hỏi phải di chuyển, đi lại đáng kể hoặc làm việc ngoài giờ thường xuyên, sự đồng thuận từ gia đình đôi khi là yếu tố quyết định.
Để được thăng tiến lên vị trí cao hơn là cơ hội tuyệt vời giúp phát triển con đường sự nghiệp của bạn. Vì vậy, trước khi thực hiện bước nhảy vọt này, hãy sử dụng 6 chiến lược trên để đánh giá công việc mới và đảm bảo tối đa thành công cũng như tối thiểu rủi ro trong tương lai.