|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bí mật trên thực đơn khiến khách hàng chi nhiều tiền hơn

13:50 | 23/08/2019
Chia sẻ
Mô tả ngắn ngọn về món, bỏ kí hiệu tiền tệ, giới hạn ở 7 lựa chọn là những cách để các nhà hàng, quán ăn dẫn dụ khách hàng chi nhiều tiền hơn so với ý định ban đầu của họ.

Wired khẳng định những người thiết kế thực đơn của quán cà phê, nhà hàng ứng dụng kinh tế học hành vi để hướng thực khách tới những món, đồ uống mà chủ cơ sở kinh doanh hoặc đầu bếp muốn.

Mô tả món

Cảm nhận của thực khách chịu tác động lớn của ngôn từ. Việc mô tả món ăn với cách chế biến chi tiết khiến chất lượng của chúng có vẻ cao hơn. 

Ví dụ, khách sẽ cảm thấy hào hứng hơn khi đọc mô tả về bánh cua như sau: Chúng tôi làm bánh bằng tay, với thịt cua jumbo ngọt ngào, một chút mayonnaise, hỗn hợp gia vị bí mật, vụn bánh quy tạo nên bánh cua mềm và đậm đà.

Greg Rapp, người thiết kế menu cho các nhà hàng trong hơn 30 năm, từng nói với kênh NBC rằng, doanh số món ưn sẽ tăng gần 30% khi chúng có mô tả hay. 

Nội dung mô tả, theo Greg, không quá dài dòng hay hoa mỹ, chỉ bao gồm các thành phần và cách chúng được chế biến như tươi sống, mọng nước, khô và giòn, cay.

Giới hạn món ở con số 7

Hàng loạt nghiên cứu chỉ ra rằng, càng đối mặt với nhiều sự lựa chọn, con người càng cảm thấy lo lắng. Con người chỉ có thể nhớ tốt 7 thứ. Nếu số lượng các món vượt quá con số 7, thực khách có thể rơi vào trạng thái "ngợp" và bối rối. Khi đó, theo bản năng họ sẽ chọn món quen thuộc. 

Vì vậy, cơ sở kinh doanh thường chỉ để thực khách chọn tối đa 7 món cho mỗi danh mục như món khai vị, món chính. Giới hạn món như thế có thể thôi thúc khách hàng thử một món lạ, và thường đắt hơn một chút.

Món đắt nhất sẽ dễ lọt vào tầm mắt nhất

Kết quả phần lớn khảo sát cho thấy góc trên bên phải thực đơn là vị trí mà khách hàng thường nhìn đầu tiên. Vì thế, nhà hàng có thể đặt món đắt vào vị trí ấy, với những hoạt tiết cầu kì kèm hình ảnh. 

Món đắt ở vị trí đẹp sẽ đóng vai trò như cột mốc để khách so sánh. Có thể họ không đặt món ấy, nhưng họ sẽ tìm một món rẻ và có vẻ hợp lí hơn. 

menu 2

Nhiều nhà hàng dành vị trí góc trên, bên phải cho những món đắt nhất. Ảnh: canva.com

Ví dụ, món ở vị trí nổi bật có giá hơn 150 USD, trong khi những món còn lại chỉ có giá dưới 100 USD. Vì thế, người xem thực đơn cảm thấy những món khác đều hời. Cảm giác của con người về giá trị luôn mơ hồ, song chúng ta rất nhạy cảm với sự tương phản.

3 loại kích cỡ

Khi xem thực đơn, khách không thể hình dung sự chênh lệch giữa cỡ nhỏ và lớn. Do đó, họ nghĩ rằng cỡ nhỏ hơn là lựa chọn tối ưu vì chi phí thấp hơn. Nếu muốn bán cỡ lớn nhất, các nhà hàng sẽ bổ sung lựa chọn "cỡ vừa". 

Đương nhiên, chênh lệch giữa giá của đồ ăn cỡ nhỏ và cỡ lớn thường cao, nhưng cỡ lớn chỉ đắt hơn một chút so với cỡ vừa. Khi đó, lựa chọn cỡ vừa là mồi nhử để người xem cảm thấy cỡ lớn, đắt tiền nhất trở nên khó cưỡng.

Ký hiệu tiền không nên xuất hiện

Những kí hiệu như kiểu $ hay SGD gợi lên trong tiềm thức khách hàng rằng họ đang tiêu tiền. Vì thế, thay vì ghi giá món ăn là 16 SGD, chủ nhà hàng có thể viết số 16. 

Hơn nữa, nhiều nhà hàng không để các dấu chấm dẫn từ món ăn đến giá của chúng trên thực đơn để khách hàng không phân tâm bởi giá và tập trung hơn vào món ăn, thay vì chỉ nghĩ đến số tiền họ sắp phải chi. 

menu

Một menu không có kí hiệu tiền tệ và không có dấu chấm từ tên món tới giá. Ảnh: zomato.com

Mẹo nhỏ này có thể thôi thúc khách hàng chi tiêu nhiều hơn tới 30%  so với các nhà hàng không loại bỏ kí hiệu tiền tệ.

"Khoe" bằng chứng về chất lượng

Kevin Gregory, giám đốc sáng tạo một công ty tư vấn nhà hàng ở New York (Mỹ) tiết lộ rằng, việc sử dụng các cụm từ như "Signature" (đặc trưng), "Original" (nguyên bản), "Best seller" (bán chạy nhất) luôn kích thích khách gọi món đó. 

Những từ như thế sẽ khiến người xem thực đơn tin hoặc hành động theo số đông với tâm lý: "Nếu nhiều người thích nó, có lẽ tôi cũng sẽ thích".