|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc mua 3.400 m2 đất Tam Đảo bằng tiền thi công dự án

06:50 | 10/03/2021
Chia sẻ
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói mình không liên quan gì đến việc mua bán hay chuyển nhượng khu đất 3.400 m2 ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Ngày 9/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 10 bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Theo cáo trạng, năm 2009, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cùng Đỗ Văn Hồng thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc). Sau đó, PVC ký hợp đồng với PVC Kinh Bắc về việc thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ - Hải Phòng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, bị cáo Thanh bàn bạc với Hồng tìm mua đất để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, thống nhất mua lô đất 3.400 m2 tại thị trấn Tam Đảo. Để có tiền mua đất, bị cáo Thanh chỉ đạo PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng. Sau khi nhận được tiền, bị cáo Hồng sử dụng gần 24 tỷ đồng để mua đất, đứng tên PVC Kinh Bắc.

Để hợp thức hóa khoản tiền này, bị cáo Thanh chủ trương tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng và sử dụng khoản tiền tạm ứng nêu trên thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc mua 3.400 m2 đất Tam Đảo bằng tiền thi công dự án - Ảnh 1.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh: TTXVN).

Tiếp đó, bị cáo Thanh đề nghị Hồng chuyển nhượng lại khu đất này từ PVC Kinh Bắc sang cho Công ty Mai Phương (do ông Trịnh Xuân Giới - cha bị cáo Thanh đứng tên thành lập) với giá 23,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Thanh mới chỉ trả 20,8 tỷ đồng, số tiền 3 tỷ đồng còn lại bị cáo không trả.

Sau này, ông Giới chuyển nhượng toàn bộ Công ty Mai Phương gồm cả thửa đất 3.400 m2 cho vợ bị cáo Thanh. Cuối cùng, vợ bị cáo Thanh chuyển nhượng cho một cá nhân trú tại Vĩnh Phúc.

Theo báo Pháp luật TP HCM, trả lời đại diện VKS, bị cáo Hồng thừa nhận việc mua 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, sau đó chuyển nhượng lại cho gia đình bị cáo Thanh với số tiền 23,8 tỷ đồng. Đến nay, gia đình bị cáo Thanh mới chuyển 20,8 tỷ đồng, 3 tỷ đồng còn lại chưa lấy được, đã nhiều lần đòi nhưng không thành.

Về cáo buộc dùng tiền tạm ứng thi công để mang đi mua đất, bị cáo Hồng lý giải rằng việc chi tiêu doanh nghiệp hoàn toàn không có quy định rõ “đồng nào mua cá, đồng nào mua rau”. Bị cáo thực hiện hợp đồng với PVC bằng nguồn lực khác của công ty…

Trước đó, theo báo Thanh niên,  trả lời thẩm vấn vào chiều muộn ngày 8/3, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng phủ nhận vai trò của mình trong việc bàn bạc với Đỗ Văn Hồng tìm mua đất tại Tam Đảo. Theo đó, bị cáo Hồng định mua đất để đầu tư dự án sinh lợi nhưng chưa triển khai.

Năm 2016, bị cáo Thanh lên Tam Đảo chơi, biết việc công ty của Hồng gặp khó khăn chưa triển khai được dự án, nên mới nói vợ Thanh huy động bạn bè mua giúp hoặc giới thiệu.

"Sau đấy, những người góp tiền mua là ông Đỗ Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí; ông Trịnh Xuân Tuấn, em ruột tôi và vợ tôi. Hoàn toàn không liên quan gì đến tôi”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai.

Bị cáo Thanh cho biết sau khi cùng những người chung tiền mua, vợ mình là bà Mai Phương đã thành lập Công ty Mai Phương, do ông Trịnh Xuân Giới đứng tên, để triển khai lô đất thành dự án nghỉ dưỡng.

Bị cáo này cũng cho rằng với vị trí Chủ tịch PVC, bản thân hoàn toàn có thể lấy tiền của Đỗ Văn Hồng mà không cần phải nợ.

Anh Đào (tổng hợp)

Nhận định thị trường chứng khoán 30/9: Kiểm tra dòng tiền hỗ trợ tại vùng 1.285 điểm
Theo dự báo của công ty chứng khoán, với tín hiệu nến thận trọng hiện tại, có khả năng diễn biến của thị trường sẽ tạm thời chậm lại và có động thái điều chỉnh trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra dòng tiền hỗ trợ tại vùng 1.285 điểm.