|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bí ẩn cổ phiếu tăng giá thần tốc 86 lần dù kinh doanh thua lỗ, lọt chỉ số MSCI và được quĩ ngoại gom mạnh

09:44 | 24/02/2019
Chia sẻ
Dù kinh doanh liên tục thua lỗ, một cổ phiếu vẫn tăng giá tới 86 lần và được các quĩ chỉ số mua vào mạnh. Ví dụ này một lần nữa nêu bật lên một khiếm khuyết nghiêm trọng của phong cách đầu tư thụ động thuần túy theo tiêu chí thị trường.

Tại tầng 66 của tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế cao nhất Hong Kong là trụ sở của một công ty ít tiếng tăm nhưng đạt được một thành tích khiến ai trông thấy cũng phải trầm trồ thán phục. Trong 5 năm qua, giá cổ phiếu công ty China Ding Yi Feng Holdings (DYF) đã tăng 8.563%, tức tăng hơn 86 lần.

Cổ phiếu tăng giá không rõ lí do

Tuy nhiên khi hỏi bất cứ nhà đầu tư nào có kinh nghiệm tại Hong Kong, câu trả lời luôn là: sự tăng giá thần tốc của cổ phiếu DYF thực sự không hợp lí chút nào.

Trong 8 năm gần đây, công ty này thua lỗ tới 7 năm, cổ phiếu hiện đang được giao dịch với mức định giá thuộc hàng cao nhất thế giới, và chủ tịch của DYF (một người theo Đạo giáo và khoe khoang mình có thiên tài đầu tư sánh ngang với những huyền thoại như Warren Buffett và George Soros) gần đây trở thành đối tượng phê phán của truyền thông Trung Quốc.

Ông Li Yuanrong, giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm 20VC tại Thẩm Quyến, nhận xét: “Các yếu tố cơ bản hoàn toàn không thể giải thích nổi đà tăng của cổ phiếu này”.

bi an co phieu tang gia than toc 86 lan du kinh doanh thua lo lot chi so msci va duoc qui ngoai gom manh
Cổ phiếu DYF tăng 86 lần dù không có thông tin hoạt động nào nổi bật. Nguồn: Bloomberg.

Sự tăng giá phi mã của DYF là một trong số nhiều trường hợp cực đoan và chưa được giải thích thỏa đáng. Hiên tượng này có nguy cơ hủy hoại danh tiếng của Hong Kong với tư cách là một trong các thị trường tài chính phát triển trên thế giới.

Và trong thời đại mà các chiến lược đầu tư thụ động đang dần lên ngôi, những hiện tượng tăng giá bất thường như DYF sẽ kéo theo cả dòng tiền trên khắp thế giới chứ không đơn thuần là của các nhà đầu tư nội.

Các quĩ đầu tư có giá trị tài sản hàng tỉ USD do BlackRock, Vanguard Group và Northern Trust quản lí đều đang sở hữu cổ phiếu DYF. Nguyên nhân là kể từ tháng 11/2018 khi cổ phiếu này đạt qui mô vốn hóa và thanh khoản đủ lớn để được đưa vào các bộ chỉ số MSCI, và các quĩ đầu tư thụ động có nghĩa vụ phải mua DYF để mô phỏng biến động chỉ số tham chiếu MSCI.

Hãng tin Bloomberg đã liên hệ với DYF nhiều lần nhưng không nhận được bình luận nào. Tương tự, Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hong Kong, BlackRock, Vanguard Group và Northern Trust cũng đều từ chối đưa ra bình luận.

MSCI thì cho biết tổ chức này sử dụng các tiêu chí định lượng như giá trị vốn hóa thị trường, tỉ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng và thanh khoản khi lựa chọn cổ phiếu vào các chỉ số của mình. MSCI không đánh giá tiêu chí lợi nhuận, triển vọng tăng trưởng hay “bất cứ tiêu chí chủ quan nào khác”.

bi an co phieu tang gia than toc 86 lan du kinh doanh thua lo lot chi so msci va duoc qui ngoai gom manh
Cổ phiếu DYF tăng phi mã trong 5 năm qua. Nguồn: Bloomberg.

DYF hiện có vốn hóa thị trường khoảng 31,2 tỉ đô la Hong Kong – tương đương 4 tỉ USD và do vậy được Hong Kong xếp vào loại “công ty đầu tư theo Chương 21”. Các “công ty đầu tư theo Chương 21” không vận hành hoạt động của riêng mình mà đi đầu tư và nắm giữ cổ phần thiều số tại các công ty niêm yết và không niêm yết khác. Các “công ty đầu tư theo Chương 21” cũng tương tự như các quĩ đóng và mức độ thành công của các công ty này phục thuộc lớn vào tài năng đầu tư của ban lãnh đạo.

Câu chuyện thành công khó tin của Chủ tịch

Theo tài liệu truyền thông của DYF, ông Sui Guangyi – chủ tịch công ty được miêu tả là một “nhân vật huyền thoại” và “một học giả có tầm ảnh hưởng”. Ông Sui bắt đầu tăng sở hữu lên ngưỡng cổ đông lớn tại DYF vào đầu năm 2015 khi công ty còn đang có tên China Investment Fund.

Sau khi trở thành chủ tịch công ty trong cùng năm 2015, ông Sui “thay máu” ban lãnh đạo và đã hai lần đổi tên công ty. Hiện nay, tỉ lệ sở hữu của ông tại DYF là 16%, tổng trị giá khoảng 600 triệu USD.

Con đường lập nghiệp của ông Sui, theo tài liệu truyền thông của DYF, là hết sức phi thường. Ông sinh trong một gia đình nông dân ở phía đông bắc Trung Quốc trong những năm 1960. Trong sự nghiệp của mình, ông từng có thời gian làm kỹ sư, làm “một nhà kinh doanh khởi nghiệp thành công hàng chục triệu USD” và một quan chức chính phủ. Theo DYF, ông Sui sau đó chuyển sang ngành đầu tư:

“Năm 2000, ông nghỉ hưu để chuyên tâm nghiên cứu cách kết hợp kiến thức truyền thống của phương Đông với phong cách đầu tư hiện đại, các phương pháp quản trị vốn và lý thuyết trò chơi. Dựa vào hiểu biết sâu sắc mới của mình, ông phát triển nên “Lý thuyết đầu tư Zen & I-Ching”, trở thành một phương pháp đầu tư sáng tạo sánh ngang với trường phái đầu tư giá trị của Warren Buffet và trường phái đầu cơ của George Soros.”

(DYF viết “Warren Buffet”, trong khi tên của nhà đầu tư huyền thoại – chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway là “Warren Buffett”, có 2 chữ "t" ở cuối).

Ngoài diễn biến tăng giá đến khó tin của cổ phiếu DYF, thật khó có thể tìm được một ví dụ khác chứng minh cho thiên tài đầu tư của Chủ tịch Sui. Thậm chí kể từ khi ông Sui làm chủ tịch, DYF từng bị vướng vào một số cổ phiếu sụp đổ thảm hại nhất Hong Kong.

Theo báo cáo gửi cơ quan quản lí, các khoản đầu tư thua lỗ của DYF trong năm 2016 bao gồm cổ phiếu Tech Pro Technology Development Ltd. mất 90% giá trị, cổ phiếu Kingbo Strike Ltd. mất 82% giá trị. Cổ phiếu Zhidao International Holdings Ltd. – một trong những khoản đầu tư chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của DYF thời điểm cuối quí II/2018, đã mất 86% giá trị kể từ ngày 30/6/2018.

Dẫu vậy, cổ phiếu DYF vẫn phá hết đỉnh này đến đỉnh khác, một phần dựa vào lực cầu từ những quĩ mô phỏng biến động các chỉ số vốn hóa lớn MSCI.

Tính riêng năm ngoái, cổ phiếu DYF tăng giá 202% - mức tăng mạnh nhất trong số hơn 2.700 cổ phiếu trong rổ MSCI All-Country World Index. Giao dịch với giá thị trường bằng 95 lần giá sổ sách, đây là một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất thế giới. (Cổ phiếu này cũng không được phép dùng trong giao dịch bán khống, phần nào lí giải tại sao nó không phải chịu áp lực giảm giá mạnh hơn.)

Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư cho rằng MSCI nên loại DYF và các cổ phiếu loại Chương 21 ra khỏi các chỉ số tham chiếu của mình.

Bà Melissa Brown, giám đốc công ty tư vấn Daobridge Capital nhận xét: “Ở thị trường chứng khoán Châu Á nơi mà các quy định còn lỏng lẻo và việc thực thi còn chắp vá, một trong những rủi ro mà tổ chức MSCI phải đối mặt là rất nhiều cổ phiếu được chọn vào chỉ số dù có những dấu hiệu bất thường rõ ràng.

Cùng khoảng thời gian DYF được vào các chỉ số vốn hóa lớn của MSCI hồi năm ngoái, truyền thông Trung Quốc bắt đầu đưa tin về những dấu hiệu tiêu cực trong hoạt động huy động vốn của Chủ tịch Sui và diễn biến bất thường của giá cổ phiếu DYF.

Trả lời hãng tin Bloomberg qua email, Hiệp hội Quản lí tài sản Trung Quốc cho biết tổ chức này có biết việc truyền thông đưa tin về một đơn vị thuộc Ding Yi Feng Group (một công ty khác cũng do ông Sui làm chủ tịch) đã mời chào khách hàng đầu tư với lợi suất đảm bảo 2,5%/tháng. Tuy nhiên đơn vị này không đăng kí nhiều sản phẩm quĩ đầu tư với Hiệp hội này.

Hiệp hội này nói thêm, các nhà quản lí quĩ tư nhân ở Trung Quốc không được phép cam kết tỉ suất lợi nhuận và tổ chức này sẽ báo cáo và chuyển giao các vụ việc có dấu hiệu phạm pháp đến Ủy ban chứng khoán Trung Quốc.

Điểm yếu chết người của các quĩ chỉ số và ETF

Các quỹ ETF (Exchange-Traded Fund) và quĩ chỉ số đầu tư theo chiến lược mô phỏng biến động của một chỉ số chứng khoán. Một số quĩ xây dựng những chỉ số của riêng mình, tuy nhiên nhiều quĩ lựa chọn các chỉ số do các tổ chức xây dựng chỉ số chuyên nghiệp (như Morgan Stanley Capital International - MSCI) cung cấp.

Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vào chỉ số và danh mục chỉ bao gồm các yếu tố kĩ thuật như vốn hóa, thanh khoản, thời gian niêm yết… chứ không bao gồm các yếu tố cơ bản như doanh thu, lợi nhuận, cơ cấu vốn, triển vọng ngành, ban lãnh đạo … Nói cách khác, có thể dự báo được một quỹ ETF sẽ thêm, bớt cổ phiếu nào và lãnh đạo doanh nghiệp biết cần phải tác động đến cổ phiếu công ty mình như thế nào để được vào danh mục quỹ ETF.

Trái lại, các quỹ đầu tư chủ động thường nghiên cứu nhiều tiêu chí cả kỹ thuật và cơ bản để tìm kiếm, lựa chọn cổ phiếu.

Tại các thị trường chứng khoán phát triển và minh bạch, việc lựa chọn cổ phiếu theo tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, ... là tương đối an toàn. Tuy nhiên tại các thị trường cận biên hay mới nổi, nơi tình trạng thao túng giá cổ phiếu diễn ra tràn lan thì việc lựa chọn cổ phiếu kiểu này là khá nguy hiểm.

Lãnh đạo Tundra Fonder (đến từ Thụy Điển) từng viết một báo cáo phân tích có tựa đề: “Tại sao không nên đầu tư chỉ số ở các thị trường cận biên? Trường hợp quản trị doanh nghiệp của FLC Faros.” để nói về việc cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros được mua vào bởi hai quĩ ETF ngoại hoạt động tại Việt Nam là FTSE Vietnam ETF và V.N.M ETF.

Dấu hiệu đầu tiên mà Tundra Fonder chỉ ra là việc giá cổ phiếu ROS liên tục tăng sốc sau khi lên sàn. Có giai đoạn giá cổ phiếu đi lên theo đường gần thẳng đứng như vách đá, có khi lại tăng hầu như liên tục trong hơn 3 tháng liền. Tất cả diễn ra trong bối cảnh thị trường (chỉ số VN-Index) khá “lặng sóng” và FLC Faros cũng không công bố thông tin quan trọng nào về hoạt động của mình.

bi an co phieu tang gia than toc 86 lan du kinh doanh thua lo lot chi so msci va duoc qui ngoai gom manh
Biến động chỉ số VN-Index và giá cổ phiếu ROS kể từ khi lên sàn tháng 9/2016. Nguồn: VNDirect.

Việc FLC Faros tăng vốn điều lệ nhanh từ 1,5 tỉ đồng năm 2011 lên 5.676 tỉ đồng năm 2018 thông qua các đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cũng là một dấu hiệu đáng lưu ý.

Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, doanh thu của FLC Faros chủ yếu đến từ việc thực hiện các dự án do CTCP Tập đoàn FLC làm chủ thầu. FLC và FLC Faros không có quan hệ công ty mẹ - con hay liên doanh liên kết, tuy nhiên có chung nhiều lãnh đạo chủ chốt. Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất của FLC đồng thời là Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất của FLC Faros.

Tuy nhiên tất cả những vấn đề này đều không được các tổ chức xây dựng chỉ số và quĩ ETF xem xét đến.

Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.