|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

BFA: Châu Á tăng trưởng tối thiểu 6,5% trong năm 2021

00:09 | 19/04/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo được công bố tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA), tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á vào năm 2021 dự báo sẽ đạt tối thiểu 6,5%.
BFA: Châu Á tăng trưởng tối thiểu 6,5% trong năm 2021 - Ảnh 1.

Người dân mua hàng tại siêu thị ở Singapore. (Ảnh: AFP/ TTXVN).

Diễn đàn BFA 2021 đã khai mạc ngày 18/4 tại thị trấn Bác Ngao thuộc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) với cuộc họp báo công bố báo cáo có tiêu đề "Triển vọng kinh tế châu Á và Tiến bộ hội nhập".

Báo cáo này, có trích dẫn số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng ít nhất 6,5%, thể hiện sự phục hồi đáng kể từ mức giảm 1,7% của năm 2020.

Khu vực Nam Á sẽ chứng kiến tăng trưởng đạt 9,7% trong năm nay - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Trong khi đó, các nền kinh tế Đông Á dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5%.

Báo cáo của BFA lý giải kết quả tích cực này có được là nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, việc nối lại hoạt động sản xuất và làm việc có trật tự ở Trung Quốc và Hàn Quốc, bên cạnh các yếu tố khác.

Các quốc gia châu Á đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong kinh tế thế giới. Nếu tính theo sức mua tương đương, nền kinh tế của khu vực này dự kiến chiếm tỷ trọng 47,9% trong nền kinh tế thế giới vào năm 2021, tăng từ 45,3% ghi nhận trong trong năm 2017.

Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, các nền kinh tế châu Á đã có nhiều thành tựu và tận dụng cơ hội phát triển. Ví dụ như sáng kiến triển khai những biện pháp mới để tạo thuận lợi cho nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hợp tác kỹ thuật số quốc tế.

Châu Á, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã từng bước chuyển đổi từ một “công xưởng” kỹ thuật số phụ thuộc vào lao động giá rẻ sang một trung tâm kỹ thuật số dựa vào các ngành công nghiệp sáng tạo.

Nền kinh tế kỹ thuật số đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực.

Nền kinh tế kỹ thuật số đã góp phần khôi phục sản xuất, ổn định tình hình kinh tế và trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế châu Á trong tương lai. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước châu Á tiếp tục đi vào chiều sâu.

Báo cáo trích dẫn số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho hay, tính đến tháng 2/2021, 186 hiệp định thương mại khu vực đã có hiệu lực, chiếm 54,9% tổng số hiệp định thương mại trên toàn cầu.

Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020 sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế châu Á.

Mai Ly