Bệnh nhân 50 ở Quảng Ninh dương tính sau 2 lần âm tính, có bất thường?
Thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh, địa phương này đang điều trị cho 2 bệnh nhân mắc Covid-19 gồm: Bệnh nhân số 50 (nữ, 24 tuổi, địa chỉ tại TP Hạ Long) và bệnh nhân số 149 (nam, 40 tuổi, địa chỉ tại thành phố Hà Nội).
Sau thời gian cách ly, theo dõi điều trị tại Bệnh viện số 2 của tỉnh, hiện sức khoẻ của cả hai bệnh nhân đều ổn định. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của BN50 diễn biến phức tạp, khó lường. BN50 xét nghiệm phát hiện dương tính ngày 13/3, 18/3 và 23/3; Đã có hai lần xét nghiệm âm tính vào ngày 26 và 28/3 nhưng dương tính trở lại vào các ngày 30/3, 2/4 và 5/4.
Trước thông tin này nhiều người dân khá lo lắng với câu hỏi: Liệu có hiện tượng "tái nhiễm" sau khi đã khỏi bệnh Covid-19(?).
Trao đổi về vấn đề này với PV Báo Giao thông, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 1 (Tp. Hồ Chí Minh) khẳng định: "Đó không phải là chuyện bất thường. Tùy thuộc thể trạng mỗi người, việc đào thải, hay phát tán virus cũng khác nhau.
Thông thường bệnh nhân được xác định khỏi nếu 2 lần âm tính cách nhau 4 ngày, hoặc khoảng cách 2 ngày/lần lấy mẫu thì cần 3 lần xét nghiệm liên tiếp cho cùng kết quả âm tính. Nếu lần 3 có xét nghiệm dương tính thì làm lại từ đầu.
Hơn nữa việc kết luận bệnh nhân khỏi bệnh căn cứ vào nhiều yếu tố khác. Và các bệnh nhân sau khi công bố khỏi bệnh cũng đều phải cách ly thêm 14 ngày và có xét nghiệm tái khẳng định".
BS. Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy thông tin: "Vì không trực tiếp điều trị nên tôi không có ý kiến về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này.
Tuy nhiên, với 1 test thử nghiệm dương hay âm tính tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thuật lấy mẫu, thời điểm lấy mẫu, hay có yếu tố gì có ảnh hưởng chất lượng mẫu hay không.
Giả sử với 2 lần lấy mẫu ở đường hô hấp trên và lần sau lấy mẫu ở đường hô hấp dưới cũng có thể cho kết quả khác nhau. Bởi trong giai đoạn điều trị sau thì mẫu ở đường hô hấp trên thường âm trước khi mẫu đường hô hấp dưới âm tính.
Hoặc trong trường hợp tải lượng virus thấp thì trong chạy mẫu cho kết quả không rõ ràng (50/50) sẽ kết luận khó khăn. Hoặc nếu bệnh nhân vừa súc miệng với chất diệt khuẩn gì trước khi lấy mẫu thì cũng có thể ảnh hưởng chất lượng mẫu".
BS. Thơ, cũng cho biết, giống như điều trị một số bệnh nhân khác, tiêu chuẩn về xét nghiệm chỉ là 1 trong nhiều tiêu chuẩn khác để đánh giá tình trạng bệnh nhân.
Do vậy để đánh giá bệnh nhân khỏi bệnh thì ngoài kết quả xét nghiệm PCR còn căn cứ lâm sàng bệnh nhân, XQ phổi, hết ho, hết khó thở, không sốt, công thức máu…