'Bên ngoài hai cơn gió ngược, bên trong hai vòng gió xoáy, cuối năm nền kinh tế sẽ bớt khó'
Phát biểu tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Thời báo Ngân hàng sáng 25/7, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, từ cuối quý III/2022 đến nay nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với hai "cơn gió ngược" từ bên ngoài và hai "vòng gió xoáy" ở bên trong.
Do đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ khá đồng điệu với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu. Những dự báo gần đây nhất, cùng với chữ "suy giảm" thì những dự báo của các tổ chức quốc tế đưa ra đều ít lạc quan hơn so với trước.
Dụ báo trong khoảng một tháng gần đây đều nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. “Trắc trở” đến cả từ trong lẫn ngoài, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0 - 6,5% trong năm 2023 là rất thách thức, tùy thuộc nỗ lực bản thân Việt Nam và diễn biến khó lường trên thế giới, TS. Thành đánh giá.
Hai cơn gió ngược bên ngoài và vòng gió xoáy bên trong
Giải thích về hai “cơn gió ngược” cùng bất định, rủi ro từ bên ngoài, ông Thành cho biết, cơn gió ngược thứ nhất đến từ suy giảm kinh tế thế giới, đặc biệt là ở nhiều đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam. Cơn gió ngược này sẽ tăng lên hay giảm đi hiện vẫn là dấu hỏi do kinh tế thế giới rất bất định.
Một thị trường quan trọng là Trung Quốc, dự báo tháng 6 của WB cho biết kinh tế quốc gia này vẫn sẽ tăng trưởng 5,6% nhưng gần đây đã có tín hiệu dự báo chậm lại xuống mức 5%.
Cơn gió ngược thứ hai từ điều kiện tài chính tiền tệ ngặt nghèo, lạm phát chạm đỉnh, khó kiểm soát ở nhiều quốc gia lớn, nhưng gần đây lạm phát giảm nhanh hơn dự báo, ví dụ Mỹ chỉ còn tăng 3% so với cùng kỳ…
"Một tin tốt là cơn gió ngược này sẽ giảm đi, các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ nhẹ đi do lạm phát của Mỹ giảm mạnh. Xác xuất cao Fed sẽ dừng tăng lãi suất sau khi tăng thêm 0,25 điểm % vào ngày 25/7", ông Thành nói
Dù vậy, vẫn còn những bất ổn, rủi ro hiện hữu từ thời tiết cực đoan, thị trường tài chính chấn động từ sự sụp đổ ngân hàng SVB của Mỹ; vấn đề nợ quốc gia. Các nhân tố đằng sau như cạnh tranh địa - chính trị, biến đổi khí hậu, nhiều nước vỡ nợ…
"Với hai vòng gió xoáy bên trong, năm 2022, chúng ta chịu áp lực từ bên ngoài lên lãi suất, tỷ giá; lạm phát toàn phần ở mức trung bình thấp nhưng lạm phát lõi cao; thanh khoản thiếu hụt cả trong hệ thống ngân hàng và trên thị trường; sự rung lắc thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp cùng thị trường bất động sản; niềm tin thị trường giảm sút,…"chuyên gia nói.
Trong 6 tháng qua, những nỗ lực trong điều hành đã mang đến kết quả tích cực, thanh khoản gần đây đã cải thiện, biến động tỷ giá thấp, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất và mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại gần đây ít nhiều hạ nhiệt.
Nền kinh tế thực đang rất khó khăn
Theo TS. Thành trước những tác động tiêu cực từ các cơn gió ngược bên ngoài và bên trong nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn. Nếu như năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 8,0% chủ yếu dẫn dắt bởi tiêu dùng, xuất khẩu và phần nào là FDI thì sang năm 2023 các yếu tố này không còn.
Trong hai quý đầu năm, xuất khẩu giảm mạnh chưa từng có thiếu hụt đơn hàng, việc làm nhiều ngành cũng giảm sâu. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm và rời bỏ thị trường cao.
Một số lĩnh vực còn duy trì xu hướng tích cực như tiêu dùng và bán lẻ…, trong đó đầu tư công giải ngân đạt 30,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 27,8% so với cùng kỳ 2022.
Kỳ vọng những cơn gió ngược bên ngoài giảm bớt, song TS. Thành cho biết, mục tiêu tăng trưởng 6,0 - 6,5% trong năm 2023 là rất thách thức theo ông mức trên 5% đã là rất nỗ lực.
TS. Thành cũng nêu ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng như: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp qua chính sách tiền tệ như tiếp tục giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất thị trường cùng thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là chính sách tài khóa như giãn giảm thuế phí.
Tiếp tục kích cầu tiêu dùng hỗ trợ nhóm lao động yếu thế, giảm VAT, thúc đẩy du lịch nội địa và thu hút khách du lịch nước ngoài bằng cách nới lỏng visa linh hoạt đối với các thị trường, tận dụng các FTA cũng như cơ hội.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể kỳ vọng sự phục hồi kinh tế từ Trung Quốc, đẩy mạnh thu hút FDI qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo bắt nhịp kỷ nguyên số, kinh tế xanh,…ông Thành nói.
Theo ông, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, chúng ta đang triển khai sửa đổi pháp lý, hỗ trợ thị trường tài chính, tái cấu trúc thị trường bất động sản nhưng kết quả còn hạn chế.
Đồng thời, phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công được coi là trụ đỡ cho phục hồi tăng trưởng 2023, bên cạnh chương trình phục hồi phát triển có điều chỉnh các gói hỗ trợ, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.