|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Giải bài toán nợ xấu, tăng sức đề kháng cho hệ thống ngân hàng

16:03 | 04/11/2020
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng yếu tố gây ra tình trạng nợ xấu của năm nay chịu nhiều ảnh hưởng, tác động từ yếu tố khách quan - dịch COVID-19.
ttxvn_hoang_van_cuong.jpg

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV nêu rõ, việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã được đẩy nhanh, đồng thời thực hiện một cách thực chất và hiệu quả. Theo đó, giai đoạn từ năm 2016 đến thời điểm 31/7/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 620,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong khi nợ xấu được ví như “căn bệnh” của hệ thống ngân hàng với nguy cơ ảnh hưởng tới toàn hệ thống, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành ngày 21/6/2017 đã giúp cải thiện đáng kể mối lo này.

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về nội dung này.

* Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Dịch COVID-19, yếu tố khách quan gây nợ xấu

Do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, tăng trưởng của hệ thống ngân hàng có thể chậm và giảm sút hơn so với mọi năm. Do ảnh hưởng của dịch nên về phía các doanh nghiệp phục hồi vẫn chậm nên nhu cầu vốn cũng không phải là cao, cho dù hệ thống ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất kể từ đầu năm đến nay.

Không thể nói câu chuyện tăng trưởng tín dụng năm nay là lý do để làm cho nợ xấu tiếp tục gia tăng. Nợ xấu có nguy cơ cao chính là do tác động từ dịch COVID-19. Ngay cả Chính phủ cũng chỉ đạo phải giãn, hoãn nợ cho rất nhiều khoản vay từ các dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Thực tế, các doanh nghiệp chưa phục hồi được hoạt động sản xuất - kinh doanh nên nhiều khoản nợ chưa thanh khoản được. Trong khi đó, chủ trương hiện nay là gỡ khó cho doanh nghiệp nên không thể ngay lập tức bắt các doanh nghiệp phải trả những khoản nợ này mà tạm thời phải “gác lại”. Bởi vậy, những khoản khoanh nợ này có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Tôi cho rằng yếu tố gây ra tình trạng nợ xấu của năm nay chịu nhiều ảnh hưởng tác động từ yếu tố khách quan là dịch COVID-19 và điều này cần sự hỗ trợ đồng bộ.

Về phía Chính phủ ngoài việc hỗ trợ về chính sách thì ngân sách cũng dành sự hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngay cả các ngân hàng cũng đã có sự hỗ trợ thông qua nhiều chính sách tín dụng ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh hay cho giãn, hoãn nợ. Đây chính là những việc cần phải làm trong giai đoạn này.

* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Nghị quyết 42 đã giải bài toán khó về nợ xấu 

Nghị quyết số 42 đã đi vào cuộc sống, giúp nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng giải quyết được bài toán khó về nợ xấu. Theo đó, con số nợ xấu đã được kéo giảm xuống dưới mức 2%, cụ thể đang ở mức 1,8% dư nợ. Nghị quyết 42 được đánh giá là một phương pháp giải quyết hiệu quả.

Đặc biệt, khi triển khai, ý thức người vay vốn đã được thay đổi rõ rệt thể hiện qua việc họ thận trọng hơn và có ý thức trả nợ hơn. Nhiều khoản nợ xấu đã được khách hàng tự thu xếp trả nợ, tự xử lý nguồn nợ xấu này. Trong quá trình xử lý, hệ thống ngân hàng đã thu hồi được khoản nợ, nâng cao khả năng tài chính, tăng sức chịu đựng trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức.

Có thể thấy, lợi nhuận của ngân hàng tăng cao đã góp phần phần tăng nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng, có điều kiện mở rộng hoạt động tín dụng, mở rộng hoạt động cho vay của nền kinh tế.

Tôi cho rằng, Nghị quyết 42 cũng đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá lại. Thậm chí, cần kéo dài Nghị quyết 42 thêm một thời gian nữa, nhất là trong lúc chưa đưa vào luật hoá ở những nguyên tắc vay và trả nợ vay, chưa đảm bảo được quyền giữa người cho vay và người đi vay. Trong đó, cần ưu tiên bảo vệ người đi vay và cả người cho vay để làm sao duy trì ý thức tự giác chấp hành trong hoạt động vay và trả nợ.

Bên cạnh đó, vai trò của cả các tổ chức liên quan như chính quyền địa phương, công an, kiểm soát, toà án... cũng cần phát huy tính đồng bộ và có sự chia sẻ để hỗ trợ hệ thống ngân hàng làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu.

Trong bối cảnh hiện nay, hơn hết vẫn là mong chờ sự phục hồi của nền kinh tế. Vì kinh tế tăng trưởng thì nợ xấu mới giảm được. Nền kinh tế hoạt động tốt và hiệu quả thì doanh nghiệp cũng làm ăn được, không có nợ xấu. Do đó, theo tôi cần phải đi kèm với chính sách tiền tệ và tài khoá để hỗ trợ nền kinh tế phát triển, như vậy, mới giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh thì lúc đó doanh nghiệp mới làm ăn hiệu quả.

Năm 2020 rất đặc biệt khi khó khăn chồng chất liên tiếp do dịch bệnh, thiên tai. Các ngân hàng vẫn đảm bảo có lợi nhuận nhưng tỷ lệ nợ xấu cũng gia tăng. Điều này cũng có thể hiểu được bởi dịch COVID-19 gây tác hại nghiêm trọng trên toàn cầu và không chỉ có số người tử vong cao mà hàng loạt doanh nghiệp cũng rơi vào trạng thái "chết".

Không riêng gì Việt Nam, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể trên thế giới cũng rất lớn. Quốc gia nào cũng phải đối đầu với nợ xấu do số doanh nghiệp giải thể lớn, hoạt động không có hiệu quả. Do đó, bài toán xử lý nợ xấu tiếp tục được đưa ra trong hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng đã có quá nhiều bài học và cũng rất thận trọng. Cụ thể, trong năm 2020, dư nợ tín dụng tăng rất chậm.

Nhờ thực hiện Nghị quyết  42 và các ngân hàng hoạt động hiệu quả trong thời gian qua nên đã tích tụ được vốn, làm tăng sức chịu đựng của hệ thống. Cho nên, thời gian tới, các ngân hàng phải tiếp tục tăng trích dự phòng rủi ro nhằm đề phòng cho những bất trắc xảy ra và để có khả năng bù đắp các thâm hụt.

Bài học từ Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và các công ty mua bán nợ... cho thấy cần thiết phải tạo ra cơ chế cho hoạt động mua bán nợ phát triển, hướng đến những giải pháp cụ thể hơn.

Trong Nghị quyết 42, khi sơ kết và tổng kết vẫn thấy điểm tồn tại, khó khăn nhất là vấn đề sang nhượng quyền sở hữu của các tài sản thế chấp và cầm cố. Nhưng để giải quyết các vấn đề này thì phải tiếp tục hoàn thiện luật pháp, đảm bảo cho Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Thu Hằng-Diệp Anh