BĐS công nghiệp trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới: Lạc quan nhưng thận trọng
Cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 về Quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp. Nghị định đã quy định cụ thể về xây dựng, phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; quy định cụ thể về phát triển các mô hình Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ, Khu công nghiệp sinh thái,.... Theo giới chuyên môn, cơ hội để tạo một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam là rất lớn.
Thông tin tại Diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam 2022 với chủ đề “Khơi thông làn sóng đầu tư mới” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 12/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đến nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước đã có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD).
Theo ông Phương, những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.
Đồng thời, khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP,…
Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực như Viglacera, Kinh Bắc, Becamex, Trường Hải, Sonadezi,...
Cơ hội thu hút FDI không chỉ toàn màu hồng
Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết: "Qua tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), tôi thấy rằng mặc dù kinh tế khó khăn trong năm 2022 ở một số địa bàn nhất định song mối quan tâm của NĐTNN vẫn tăng lên đối với nền kinh tế Việt Nam. Do đó, vẫn có thể khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với NĐTNN".
Tuy nhiên, theo vị này, nếu gọi đây là cơ hội vàng thì vẫn hơi có sự cẩn trọng, bởi nhiều khả năng trong năm 2023, kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ đi vào suy thoái, điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đầu tư và trong đó có dịch chuyển đầu tư sang các nước khác. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh đầu tư hiện nay không chỉ giữa các nước đang phát triển với nhau mà còn phải cạnh tranh với cả Mỹ và châu Âu.
Đơn cử, Mỹ đã đưa ra chính sách thu hút trở lại ngành sản xuất chip. Các nước châu Âu cũng đưa ra chính sách không phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài như Trung Quốc,... Đây cũng là một xu hướng mà Việt Nam phải cạnh tranh với các nước phát triển.
"Việt Nam không nhất thiết phải thực hiện theo chỉ tiêu là phải thu hút vốn của các tập đoàn trong Fortune 500 hay những công ty hàng đầu thế giới. Hiện nay, chúng ta vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nước Bắc Á và Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong giai đoạn này, theo tôi nên tập trung chất lượng đầu tư, thân thiện môi trường, đầu tư công nghệ cao. Các nhà đầu tư đến từ châu Á cũng rất xứng đáng để thu hút và đây có lẽ là xu hướng tiếp theo trong năm 2022", vị này nói.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bối cảnh hiện nay, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vẫn được đánh giá lạc quan. Quyết định 667 của Thủ tướng về Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2023 cũng đề ra mục tiêu kéo đại bàng về để họ dẫn dắt và kéo các đối tác về Việt Nam.
"Đúng là chúng ta không nên chỉ nhìn màu hồng cơ hội thu hút đầu tư. Bởi cái gì cũng có mặt trái của nó. Đặc biệt là trong bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thời kỳ hậu COVID-19 sẽ ngày càng gay gắt do nguồn cung đầu tư nước ngoài giảm trong khi nhu cầu thu hút vốn nhằm phục hồi kinh tế gia tăng", ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh đóm vị này cho rằng, các nước phát triển muốn thu hút đầu tư vì muốn giảm thiểu rủi ro do quá bị động phụ thuộc vào các thị trường bất ổn. Nhưng nếu Việt Nam khẳng định được sự ổn định, không lý do gì mà bằng mọi giá các quốc gia trên sẽ hút về nước họ. Tăng cường thu hút từ các nước phát triển là đúng, nhưng Việt Nam cần đảm bảo để các nước phát triển không cảm thấy thiệt thòi khi hợp tác,...