|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

BDI: Kinh tế Đức sẽ suy giảm nhẹ trong năm 2023

07:07 | 18/01/2023
Chia sẻ
Chủ tịch BDI Siegfried Russwurm cho biết, xu hướng suy thoái nhẹ dự kiến sẽ chiếm ưu thế vào đầu năm 2023, nhưng mọi thứ sẽ bắt đầu cải thiện vào mùa Xuân.

  Người dân mua sắm tại siêu thị ở Duesseldorf (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Kinh tế Đức dự kiến sẽ suy giảm 0,3% trong năm nay và khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) gây ra sẽ tiếp tục đè nặng lên ngành công nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đó là nhận định được Hiệp hội công nghiệp BDI của Đức đưa ra ngày 17/1.

Chủ tịch BDI Siegfried Russwurm cho biết, xu hướng suy thoái nhẹ dự kiến sẽ chiếm ưu thế vào đầu năm 2023, nhưng mọi thứ sẽ bắt đầu cải thiện vào mùa Xuân.

Văn phòng Thống kê Đức cho biết, sản lượng kinh tế của Đức bị đình trệ trong quý IV/2022 và tăng 1,9% trong cả năm ngoái, thêm vào các dấu hiệu cho thấy nước này có thể tránh được suy thoái kinh tế.

Ông Russwurm cho biết thêm, BDI dự đoán xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Đức sẽ tăng 1% trong năm nay tính theo giá trị thực tế, tụt hậu so với thương mại toàn cầu, vốn được dự đoán là tăng 1,5%.

Chủ tịch BDI cho biết, Đức đang lùi sau so với các quốc gia khác, nơi giá năng lượng không cao bằng. Ông nói: “Yếu tố chi phí năng lượng từ lâu không chỉ làm suy yếu các công ty sử dụng nhiều năng lượng mà còn có tác động rõ rệt đến toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp”.

Ông Russwurm đề xuất việc cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý ở Đức để đất nước này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Ông nêu rõ: “Năm 2023 phải trở thành năm của những quyết định, vì tương lai của nước Đức với tư cách là một quốc gia công nghiệp, một quốc gia xuất khẩu và một quốc gia đổi mới”.

Hiệp hội công nghiệp cũng kêu gọi giảm gánh nặng thuế đối với các công ty xuống mức trung bình quốc tế tối đa là 25%.

Ông Russwurm cho biết Đức nên đa dạng hóa các đối tác thương mại để tăng cường khả năng phục hồi, mặc dù ông cảnh báo rằng "khả năng phục hồi là không miễn phí". Ông nói rằng, chính sách thương mại của Liên minh châu Âu nên chủ động đối phó với những khó khăn đã được lường trước và cần có một chính sách công nghiệp thông minh để đáp ứng với Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ và nên tránh đối đầu với nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Minh Trang