Bất thường phía sau vụ sếp Carlsberg “dìm hàng” cổ phiếu Habeco?
Theo thỏa thuận hợp tác giữa Habeco và Carlsberg, đối tác Đan Mạch cũng được quyền ưu tiên khi mua cổ phần tại Habeco với điều kiện phải trả một mức giá cao hơn giá thị trường và phải được các cơ quan nhà nước chấp thuận theo luật pháp Việt Nam.
Mới đây, ông Tayfun Uner, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam, đã gây chú ý khi trả lời trên Bloomberg rằng cổ phiếu Habeco (BHN) đang được định giá ở mức quá cao. Ông Tayfun Uner cho rằng mức giá 48.000 đồng/cổ phiếu đối với BHN là hợp lý. Ông cũng cho rằng lực mua đầu cơ là yếu tố khiến giá cổ phiếu tăng mạnh.
Cổ phiếu BHN đang được giao dịch ở mức giá 109.500 đồng theo kết quả giao dịch ngày 01/12, có thời điểm cổ phiếu này tăng lên 140.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 08/11 vừa qua. Carlsberg đang là cổ đông lớn thứ hai tại Habeco sau cổ đông nhà nước với tỷ lệ sở hữu là 17,03% kể từ sau khi Habeco được cổ phần hóa vào năm 2008. Có ý kiến đặt ra rằng, liệu có phải CEO của Carlsberg Việt Nam đã cố tình phát biểu như vậy để có cơ hội mua thêm cổ phiếu BHN với giá rẻ?
Trao đổi với PV Infonet về nhận định có phần “dìm hàng” của phía Carlsberg, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Habeco – cho biết, ông không được nghe trực tiếp những gì ông Tayfun Uner nói nên không có bình luận gì về việc này. Tuy nhiên, ông Việt cho biết Carlsberg vẫn luôn muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên 30%. Theo thỏa thuận hợp tác giữa Habeco và Carlsberg, đối tác Đan Mạch cũng được quyền ưu tiên khi mua cổ phần tại Habeco với điều kiện phải trả một mức giá cao hơn giá thị trường và phải được các cơ quan nhà nước chấp thuận theo luật pháp Việt Nam.
“Họ vẫn luôn muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên 30% từ mức hơn 17% như hiện nay. Theo chủ trương chung, nhà nước có thể thoái vốn hoàn toàn tại những doanh nghiệp ngành bia như Habeco và Sabeco, do vậy nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu như trước đây,” ông Nguyễn Văn Việt nói.
Ông Nguyễn Văn Việt (trái) khi còn làm TGĐ Habeco và đại diện của Tập đoàn Carlsberg tại Đan Mạch. |
Là người trực tiếp triển khai việc cổ phần hóa của Habeco vào năm 2008 khi còn làm Tổng Giám đốc Habeco, ông Nguyễn Văn Việt cho biết: “Khi tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sabeco cũng chỉ bán được 10%, 90% còn lại do nhà nước nắm giữ. Khi đó nhà nước định giá 70.000 đồng/cổ phiếu và mức giá bán thành công bình quân khi đó là 70.003 đồng/cổ phần. Cùng thời điểm đó, nhà nước định giá Habeco 50.000 đồng/cổ phiếu và khi tiến hành IPO thì mức giá đấu thành công bình quân là 50.015 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức giá đấu thành công bình quân khá sát với giá khởi điểm do nhà nước định giá và cũng chỉ bán được 10% đối với Sabeco và 20% đối với Habeco”.
Trong giai đoạn hiện nay, khi thoái vốn nhà nước tại hai “ông lớn” ngành bia rượu này không chỉ là mệnh lệnh hành chính mà còn là “mệnh lệnh” của thị trường, chủ trương bán vốn nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Nhớ lại giai đoạn 2008 khi cổ phần hóa Habeco, ông Việt cho biết sau khi IPO khoảng 1 tháng, giá cổ phiếu Habeco trên thị trường OTC lùi về chỉ còn 35.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tới hôm nay, sau 8 năm kể từ ngày cổ phần hóa, cổ phiếu Habeco đã đạt mức giá trên 100.000 đồng.
“Đây là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy việc bán vốn nhà nước bởi nhà nước cũng được lời rất nhiều. Sau khoảng 8 năm, giá trị doanh nghiệp của Habeco và Sabeco đểu tăng lên khoảng 4 lần về doanh thu, lợi nhuận và mức nộp ngân sách. Doanh nghiệp ngành bia có lợi thế nhất định khi được xã hội tiêu dùng lớn, nhưng vẫn cần phải quyết liệt cổ phần hóa vì chủ trương này có lợi cho nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay,” ông Nguyễn Văn Việt nói.
Cũng theo ông Việt, năm 2015, ngành bia rượu nộp ngân sách xấp xỉ 35 nghìn tỷ đồng và giữ vai trò nhất định trong nền kinh tế.
Năm 1994 Carlsberg liên doanh với chính quyền thành phố Huế tại Hue Brewery theo tỷ lệ góp vốn là 50-50. Năm 2011, Carlsberg đã chi 1.880 tỷ đồng để mua lại 50% cổ phần còn lại và sở hữu hoàn toàn nhà máy bia này.
Cũng với phương thức như trên, Carlsberg đã dần sở hữu 100% cổ phần tại Nhà máy bia Đông Nam Á. Nhà máy bia Đông Nam Á cũng được hình thành từ năm 1994 là kết quả của liên doanh giữa Carlsberg và Công ty Bia Việt Hà. Năm 2014, Carlsberg hoàn tất quá trình thâu tóm bằng việc mua lại toàn bộ cổ phần của Việt Hà. Thương hiệu chính của Nhà máy bia Đông Nam Á là Halida, một thương hiệu trung cấp ở miền Bắc và có doanh thu không đáng kể.