Bất ổn chính trị có thể tàn phá kinh tế Mỹ
Mỹ đã trải qua cuộc tấn công vào Điện Capitol và có thể sẽ chứng kiến thêm nhiều cuộc bạo loạn khác trong thời gian tới. Biến động lịch sử này không chỉ làm gia tăng phẫn nộ và gây ra lo sợ mà còn đe dọa nền tảng tài chính và kinh tế Mỹ.
Nếu bất ổn chính trị khiến trái phiếu Kho bạc trở nên rủi ro hơn, toàn bộ hệ thống ngân hàng có thể bị phá hoại, ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp và người dân Mỹ.
Cuộc tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ là minh chứng rõ ràng cho bất ổn chính trị cực độ và là điềm báo về một cuộc bạo lực lớn hơn. FBI đã cảnh báo về các cuộc biểu tình trên toàn quốc dịp ông Biden nhậm chức.
Theo Bloomberg, hầu như không có khả năng Mỹ sẽ sụp đổ giống như trong cuộc Nội chiến 1860. Nhưng nguy cơ hoạt động kinh tế gián đoạn vẫn có thể làm tổn thương nền tài chính của Mỹ qua việc gây nguy hiểm cho các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Hiện tại, trái phiếu Kho bạc Mỹ được coi là tài sản an toàn nhất trên thế giới vì mọi người tin rằng kịch bản Mỹ vỡ nợ là không tưởng.
Cảm giác an toàn tuyệt đối cho phép trái phiếu Kho bạc Mỹ được sử dụng như công cụ thế chấp làm nền tảng cho hệ thống ngân hàng. Các nước khác coi Mỹ là nơi an toàn nhất để gửi tiền và đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống tài chính Mỹ. Nhờ vậy, hệ thống tài chính Mỹ miễn nhiễm trước hiện tượng tháo chạy vốn.
Trái phiếu Kho bạc Mỹ được coi là bến cảng an toàn nhất trước bão tố. Do vậy trong giai đoạn khủng hoảng, nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu Kho bạc thay vì chuyển vốn sang nước ngoài.
Nhưng thời đại bất ổn chính trị có thể biến điều không tưởng thành sự kiện có thể xảy ra. Ngay cả một khả năng rất nhỏ rằng Mỹ có thể không thanh toán được một vài khoản nợ cũng có thể làm chao đảo thị trường tài chính. Sau vụ tấn công Điện Capitol, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng lên đến mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 khi thị trường đang chao đảo vì đại dịch.
Công bằng mà nói, thị trường trái phiếu Kho bạc biến động khá nhiều nên nhà đầu tư chưa cần hoảng loạn. Nhưng một số nhà quan sát đang tự hỏi liệu đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của phần bù rủi ro được tính vào lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ hay không.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ gần đây đã tăng lên dù thị trường đón nhận một vài tin kinh tế xấu – điều thường đẩy lợi suất xuống. Những nhà đầu tư trái phiếu thận trọng chắc chắn sẽ để mắt đến lợi suất Kho bạc và tin tức cho đến lễ nhậm chức của ông Biden ngày 20/1.
Phần bù rủi ro trong trái phiếu Kho bạc có thể ảnh hưởng đến năng lực của chính phủ Mỹ trong việc chống chọi khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra.
Phần bù rủi ro sẽ khiến chi phí vay trong dài hạn tăng lên, khiến việc tài trợ cho các gói cứu trợ, kích thích tài khóa và triển khai vắc xin toàn quốc gặp khó khăn. Quốc hội và Tổng thống Biden cũng sẽ lo ngại hơn về thâm hụt ngân sách vì bội chi cao và nợ nần lớn có thể làm tăng phần bù rủi ro. Kịch bản này sẽ là tin xấu cho nền kinh tế số một thế giới.
Dĩ nhiên, Cục dự trữ liên bang (Fed) có thể can thiệp và mua trái phiếu Kho bạc để hạ lợi suất xuống. Đây chính xác là điều Fed đã làm trong đại dịch. Tỷ lệ trái phiếu Kho bạc Fed nắm giữ trên toàn bộ trái phiếu Kho bạc giao dịch trên thị trường đã tăng lên.
Nếu chi phí vay nợ gia tăng, giới chính trị gia sẽ gây áp lực buộc Fed can thiệp mạnh hơn. Nhưng việc này có thể dẫn đến siêu lạm phát, hiện tượng này còn phá hủy kinh tế Mỹ tồi tệ hơn là một vụ vỡ nợ quốc gia.
Theo Bloomberg, mối nguy của siêu lạm phát càng trở nên trầm trọng hơn bởi vai trò quốc tế của đồng USD. Nếu nhà đầu tư toàn cầu nhận định rằng trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là chỗ trú an toàn trong khủng hoảng tài chính, dòng vốn vào Mỹ có thể sẽ đảo chiều. Cuộc tháo chạy vốn sẽ tăng thêm áp lực lên lạm phát và càng thúc đẩy Fed hành động để bù đắp nhu cầu đã mất đối với trái phiếu Kho bạc.
Những khủng hoảng cực đoan trên có lẽ sẽ chỉ xảy ra nếu phần bù rủi ro trái phiếu Kho bạc Mỹ lên cao đáng kể. Nhưng ngay cả phần bù rủi ro nhỏ cũng có thể khiến các ngân hàng lo lắng hạn chế cho vay, khiến suy thoái càng kéo dài. Ngoài ra còn có nguy cơ Mỹ thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng. Trên tất cả, bất ổn chính trị có thể gây rủi ro cho xuất khẩu của Mỹ và dòng chảy thực tế của hàng hóa và dịch vụ.
Chính phủ Mỹ không thể để cho các cuộc bạo loạn và bạo lực chính trị xảy ra lần nữa. Các thành viên Đảng Cộng hòa không thích việc lên án Tổng thống Trump và phong trào của ông, nhưng đó là việc phải làm.