Bất ngờ đổi tờ trình đại hội, FLC muốn sáp nhập XNK Nông sản FAM, lấn sân nông nghiệp sạch
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Mã: FLC) bất ngờ công bố bổ sung thay thế tờ trình đại hội cổ đông bất thường ngay trước thềm đại hội.
FCL muốn lấn sân sang nông nghiệp sạch. |
Cụ thể ngày 20/10 FLC trình phương án sáp nhập CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM vào CTCP Tập đoàn FLC theo hình thức phát hành cổ phần để hoán đổi cổ phần, thay thế cho phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ tại tờ trình công bố ngày 12/10.
FLC cho biết, nhằm cơ cấu lại hoạt động của Tập đoàn, với định hướng mở rộng đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch trên quy mô lớn. Công ty FAM có địa chỉ trụ sở tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng, tương đương 160 triệu cổ phiếu.
Theo phương án sáp nhập, FLC sẽ nhận sáp nhập FAM thông qua hoán đổi cổ phần. Tỷ lệ hoán đổi cổ phần dự kiến 1:1,07 (1 cổ phần FLC đổi lấy 1,07 cổ phần FAM), FLC sẽ phải phát hành thêm 149,5 triệu cổ phiếu hoán đổi với cổ phiếu của FAM. Cổ phần phát hành để hoán đổi với cổ phần của cổ đông công ty FAM không bị hạn chế chuyển nhượng.
Sau sáp nhập, FAM chấm dứt tồn tại, FLC hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời chịu trách nhiệm các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của FAM.
Theo tìm hiểu, CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM thành lập vào tháng 1/2008 do bà Nguyễn Thị Huyền Trang làm Giám đốc; có trụ sở tại Khu Hành chính Hán Lữ, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều đáng chú ý là thông tin từ Tổng Cục thuế Việt Nam cho thấy ngành nghề kinh doanh chính của FAM là Xây dựng nhà các loại; ngoài ra còn có Xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, Xây dựng công trình công ích... Liên quan đến nông nghiệp chỉ có hoạt động về Sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp; hay Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ trọng lớn trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp.
Trước đó theo tài liệu đại hội cổ đông bất thường của CTCP Tập đoàn FLC công bố ngày 12/10, công ty lại trình lên phương án phát hành 149,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Sau khi phát hành theo phương án cũ này, vốn điều lệ của FLC sẽ tăng từ 6.380 lên hơn 7.875 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn thu được dự kiến 1.495 tỷ đồng sẽ được bổ sung cho 3 dự án của Tập đoàn. FLC dự định rót 600 tỷ đồng vào dự án Công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng và trung tâm thương mại số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. 600 tỷ đồng bổ sung vốn dự án Quần thể Trung tâm hội nghị, Khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực đồi cột 3 đến cột 8, TP Hạ Long, Quảng Ninh. 295 tỷ đồng còn lại để bổ sung vốn lưu động cho Tập đoàn. |
Tại ĐHCĐ bất thường, FLC sẽ trình cổ đông phê duyệt báo cáo tài chính năm 2016 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt. Trước đó, ngày 4/5/2017 Ủy ban Chứng khoán nhà nước yêu cầu FLC phải kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2016 do Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long – TDK đã bị đình chỉ tư cách tổ chức kiểm toán từ ngày 11/10 - 31/12/2016 nhưng công ty vẫn ký và phát hành báo cáo kiểm toán năm 2016.
Bên cạnh đó, tại đại hội Tập đoàn sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).
Tập đoàn trình cổ đông việc miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT với ông Lê Bá Nguyên từ ngày 23/10 đồng thời bổ sung thêm người thay thế vị trí của ông Nguyên.