|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản TP HCM tiếp tục hút vốn mạnh

07:48 | 09/11/2017
Chia sẻ
Mặc dù được nhận định về nguồn cung khá dồi dào, nhưng thực tế thị trường bất động sản vẫn đang có một lượng lớn vốn chảy vào đầu tư hàng loạt các dự án mới.
bat dong san tp hcm tiep tuc hut von manh

Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP HCM, dư nợ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP HCM thường chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng dư nợ và cao hơn mức dư nợ của cả nước.

Vốn ngân hàng, vốn ngoại, kiều hối

Các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở cho người dân, kết quả là đã có hơn 10.000 cá nhân, hộ gia đình được vay với dư nợ đạt khoảng 4.740 tỷ đồng.

Lãi suất tiền vay trong mấy năm qua ổn định cùng với chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước theo hướng ổn định thị trường, tránh biến động nhằm tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Đây là điều kiện tốt để người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mua sắm nhà ở.

Đối với các dự án, sự đồng hành của các ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho việc triển khai. Để tránh bị thất thoát, chủ đầu tư chiếm dụng vốn góp của khách hàng, hàng loạt các quy định về việc sử dụng nguồn vốn vay đã được ban hành. Nhờ vậy, người mua nhà có thể an tâm hơn.

Bên cạnh vốn ngân hàng, thị trường chứng khoán được nhận định là đang dần trở thành kênh huy động vốn mới, quan trọng cho thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn đã tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán như Vingroup, FLC, Novaland, Nam Long, Khang Điền, Đất Xanh...

Một nguồn vốn khác mà bất động sản đang được hỗ trợ là vốn ngoại. Đến nay, lĩnh vực bất động sản đang chiếm tỷ trọng 32,9% nguồn vốn rót vào, đứng thứ 2 trong danh mục ngành nghề thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP HCM trong 10 tháng 2017 đạt 5,03 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), bất động sản đứng thứ 3 trong thu hút vốn FDI của cả nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,04 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kiều hối cũng là kênh hỗ trợ không nhỏ vào thanh khoản của thị trường. Ước tính có khoảng 22% lượng kiều hối về TP HCM của 9 tháng đạt hơn 3,3 tỷ USD cũng chảy vào lĩnh vực bất động sản.

Theo số liệu của Hiệp hội bất động sản TP HCM, trong 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn đã có 29 dự án được mua bán, chuyển nhượng, trong đó có 11 dự án tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Hiện có 11 dự án đã được UBND thành phố chấp thuận cho chuyển nhượng.

Theo đánh giá của công ty CBRE Việt Nam, hoạt động đầu tư của các quỹ vào thị trường bất động sản trong năm 2016 và 2017 đang được đẩy mạnh. Bằng chứng là, nguồn vốn từ các quỹ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong gần 2 năm qua đã đạt hơn 613 triệu USD.

Bất động sản nhận được vốn quỹ cao nhất

Theo nhận xét và thống kê của Deal Street Asia, bất động sản là ngành nhận được vốn quỹ cao nhất, nằm trên tất cả các ngành bán lẻ/tiêu dùng, giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và giải trí. Nhờ có nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài mà các chủ đầu tư trong nước đã phát triển nhanh chóng.

Các giao dịch đầu tư nổi bật nhất trong quý 3/2017 là từ Vincom Retail, Novaland, Dragon Capital and Quốc Lộc Phát. Cụ thể, Vincom Retail được hỗ trợ từ Warburg Pincus, Shinhan hợp tác với Vinacapital đầu tư 100 triệu USD vào Novaland, Samsung Securities cùng với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư private equity từ Hồng Kông đã mua 40% cổ phần của Dragon Capital và trở thành cổ đông lớn thứ hai, Keppel Land đã mua 20% cổ phần của Quốc Lộc Phát, chủ đầu tư của khu phức hợp Sóng Việt tại Thủ Thiêm (quận 2).

Ngoài các giao dịch vốn từ quỹ, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đã ghi nhận 27 giao dịch tài sản/đất dự án thành công với giá trị gần 900 triệu USD. Hiện tại, ngày càng có nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài có nhiều động thái bước vào cuộc chơi thị trường Việt Nam.

Nhờ vốn đổ vào thị trường dồi dào nên vấn đề nhà ở tại TP HCM được cải thiện nhanh chóng. Trong 3 quý đầu năm 2017, thành phố đã phát triển được 8,01 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở lên 160,15 triệu m2.

Toàn thành phố hiện có 29 dự án nhà ở quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên đến gần 158.000 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án có quy mô trên 50ha. 27 dự án mà mỗi dự án có tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, hoặc có trên 1.500 căn hộ/căn nhà.

Thị trường nhà ở thương mại tại TP HCM trong 9 tháng năm 2017 đã có 61 dự án nhà ở hình thành được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 28.639 căn, tổng giá trị cần huy động vốn lên đến 61.102 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, trong thời gian tới sẽ phải có một lượng tiền lớn chảy vào bất động sản.

Ngoài nguồn vốn, thêm một yếu tố nữa cho thấy lĩnh vực bất động sản vẫn nhận được sự quan tâm đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo số liệu thống kê, 10 tháng đầu năm 2017, TP HCM có 2.018 doanh nghiệp bất động sản mới được thành lập, chiếm tỷ lệ 5,96%, với tổng vốn đăng ký là 191.365 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lên đến 6.438 doanh nghiệp.

bat dong san tp hcm tiep tuc hut von manh Bất động sản chiếm 42,5% vốn đầu tư nước ngoài vào TP HCM

Theo báo cáo của UBND TP HCM, trong 9 tháng qua có 587 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới ...

Lê Mây