|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường bất động sản TP HCM đang phục hồi thế nào?

07:54 | 24/11/2023
Chia sẻ
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP HCM, hoạt động kinh doanh bất động sản tại thành phố đến nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục.

(Ảnh minh họa: H.T).

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM chiều ngày 23/11, ông Vũ Anh Dũng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP đánh giá, hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố đến nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu; nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh, phân khúc nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.

Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản tại TP HCM 9 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm 8,71% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm 11,58% và quý I/2023 tăng trưởng âm đến 16,2%.

Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản 10 tháng đầu năm ước tính đạt 186.662 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.

10 tháng đầu năm, Thành phố có 1.252 doanh nghiệp hoạt động bất động sản được cấp phép thành lập, giảm 43,7% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 46.792 tỷ đồng, giảm 58,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm là 72,2 triệu USD, giảm 66,3% so với cùng kỳ.

Về nguồn cung nhà ở, 11 tháng đầu năm 2023 có 16 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê, mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 16.063 căn được đưa ra thị trường (gồm 14.810 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng). Trong đó phân khúc cao cấp có 11.012 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 11 tháng đầu năm tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng phát triển Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM mới đây cho biết, thời gian qua Tổ công tác đã có nhiều cuộc họp tháo gỡ cho các dự án, chủ yếu tập trung vấn đề có tính chất liên ngành, một đơn vị không thể quyết định được mà cần sự thống nhất.

Tuy nhiên, việc tháo gỡ vướng mắc cần theo trình tự, vướng chỗ nào tham mưu chỗ đó nhưng chưa thông suốt tổng thể, liên tục để giải quyết toàn bộ. Điều này dẫn đến tình trạng xong chỗ này thì lại vướng chỗ khác… nên chưa tiết kiệm được thời gian.

Theo vị này, hiện nay có hai nội dung vướng mắc liên quan đến yếu tố pháp luật. Đó là các dự án bất động sản trải qua nhiều thời kỳ, pháp luật đan xen, bản thân quy định pháp luật khi ban hành mới lại chưa thống nhất, đồng bộ với quy định chuyển tiếp.

Chưa kể, việc tham mưu, đề xuất của các bộ, ngành khi chuyển tiếp cũng khác nhau. Việc này dẫn đến yếu tố chuyển tiếp cần trao đổi, nhìn nhận thống nhất và xin ý kiến của bộ, ngành, Tổ công tác chính phủ để áp dụng cho thống nhất. 

Thứ hai là vướng mắc liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung. Trong đó, từ việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc cũng phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Ông Hồ nhấn mạnh phải xác định được nghĩa vụ tài chính và nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính thì thủ tục sau mới thông suốt. Nếu chưa thực hiện nghĩa vụ thì việc triển khai bán nhà hình thành trong tương lai và huy động vốn đều khó. Thậm chí nếu không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, các thủ tục tiếp theo gần như không thể thực hiện và dừng dự án để xử lý. 

Ông Phạm Đăng Hồ cũng thông tin tình hình giải quyết vướng mắc tại 148 dự án với 189 kiến nghị, đến đầu tháng 11 Thành phố đã giải quyết được gần 30%.

Công Tâm