Bất động sản năm 2017: Cuộc chơi của các chủ đầu tư lắm tiền, giàu kinh nghiệm?
Năm 2017 số lượng người thua sẽ nhiều hơn năm 2015 – 2016.
Dẫn lời bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển của CBRE Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2017” do Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức cuối tuần qua rằng, thị trường bất động sản năm 2017 sẽ tiếp tục là năm sôi động nhưng sẽ có nhiều khó khăn hơn năm 2016, 2015.
Thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt thị trường nhà ở đã có sự hồi phục từ năm 2015 – 2016, rất nhiều người đã kiếm được lời từ mua bán nhà và đầu tư nhà ở cho thuê, bất động sản cho thuê. Năm 2017 tiếp tục có nhiều dự án chào bán ra thị trường, chủng loại dự án đa dạng ở phân khúc và vị trí khác nhau.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thùy Dung trong 2 năm 2015 – 2016 thị trường đã có quá nhiều dự án phát triển, vì vậy năm 2017 thị trường đối mặt với rủi ro của sự bảo hòa. Và các dự án có sự khác biệt lớn, những dự án thực sự có chất lượng sẽ có chỗ đứng trên thị trường.
“Khi thị trường cạnh tranh hơn chắc chắn nó sẽ sôi động hơn và chắc chắn sẽ có người thắng và có người thua. Số lượng người thua trên thị trường bất động sản năm 2017 sẽ nhiều hơn 2015 – 2016” – bà Dung dự báo.
Cùng quan điểm như bà Dung, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HOREA) trong văn bản Góp ý đề án phát triển thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh mới đây cũng cho rằng thị trường bất động sản đã xuất hiện xu thế chững lại trong năm 2016 và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro trong thời gian tới đến từ lệch pha cung cầu, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng...
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn!
HOREA đã chỉ ra 5 điểm nghẽn của thị trường bất động sản đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường trong tương lai là vấn đề tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, chuyển nhượng dự án, chính sách tín dụng trong đó dự báo lãi suất cho vay mua nhà còn cao và có khả năng sẽ tăng trong năm nay.
HOREA cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải nỗ lực tự cứu mình thông qua hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, dừng, giảm, giãn tiến độ triển khai dự án, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp nhu cầu và sức mua của thị trường; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp; mở rộng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A).
Thực tế câu chuyện thành công cho thấy nhiều doanh nghiệp đã tự cứu mình khi mua lại dự án (M&A) tiếp đầu tư và phát triển; phát triển các sản phẩm có tính khác biệt và đậm chất lượng đã không chỉ giúp doanh nghiệp trụ vững, duy trì tăng trưởng còn tạo được thương hiệu như: Vingroup, Novaland (phân khúc nhà ở cao cấp), FLC (phân khúc bất động sản du lịch) hay Đất Xanh (phân khúc nhà ở tầm trung), …
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính |
Trong đó, Novaland chủ yếu nhờ hoạt động M&A từ năm 2014 - 2016 đã có hơn 40 dự án ở phân khúc trung và cao cấp. Cũng từ M&A, trong 2 năm 2015 – 2016, Đất Xanh đã thực hiện M&A hơn 12 dự án để nâng tổng số dự án đang triển khai lên 20 dự án với quỹ đất sạch ước tính gần 100 ha. Trong khi đó, Tập đoàn FLC với tiềm lực tài chính mạnh đã nhanh chóng phủ khắp Việt Nam sản phẩm bất động sản du lịch chất lượng và khác biệt.
Có thể nói để doanh nghiệp vượt qua tính chu kỳ của ngành, duy trì phát triển, ngoài kinh nghiệm phát triển bất động sản, khả năng tài chính và phân bổ nguồn lực tài chính hiệu quả là mấu chốt quan trọng nhất trong bối cảnh chính sách tín dụng cho bất động sản không ổn định và chẳng dư dả gì.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính |
Rõ ràng, dân gian có câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hẳn không sai với các nhà phát triển bất động sản. Dĩ nhiên, để có sản phẩm chất lượng, khác biệt các chủ đầu tư phải có tiềm lực mạnh về vốn để chủ động và linh hoạt trong kế hoạch nhằm nắm bắt tốt cơ hội, dẫn dắt thị trường khi thị trường phục hồi và tăng trưởng, cũng như “sống tốt” khi thị trường cạnh tranh khốc liệt và kẻ thua nhiều hơn người thắng.