|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản Hòa Lạc (KỲ II): Thị trường nhanh chóng hạ 'nhiệt'

15:14 | 08/07/2019
Chia sẻ
Không khó nhận ra đất đai ở Hòa Lạc vẫn còn mênh mông, chưa kể những dự án cũ mắc cạn từ các năm trước vẫn còn la liệt.

Không khó nhận ra đất đai ở Hòa Lạc vẫn còn mênh mông, chưa kể những dự án cũ mắc cạn từ các năm trước vẫn còn la liệt.

Bất động sản Hòa Lạc (KỲ II): Thị trường nhanh chóng hạ 'nhiệt' - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản Hòa Lạc cần ít nhất 3 năm nữa mới thực sự có sóng

Đánh giá về tiềm năng thị trường Hòa Lạc, giám đốc một sàn giao dịch tại Cầu Giấy cho biết, hơn 10 năm trước, khu vực Hòa Lạc đã nằm trong quy hoạch Thủ đô là khu đô thị vệ tinh lớn, trọng điểm. Thế nhưng diễn biến của 10 năm qua cho thấy thị trường này vẫn giậm chân tại chỗ khi các dự án chậm trễ trong triển khai và không thu hút được cư dân.

Giới đầu cơ xả hàng

Ở thời điểm hiện tại, dù có nhiều dự án công nghệ đình đám hiện diện, được nhận định có thể khuấy đảo thị trường nhưng phần lớn vẫn đang nằm chờ quy hoạch, và theo giới sành thị trường thì ít nhất cũng phải 2-3 năm tới, các dự án này mới có thể xong khoản thủ tục, giấy tờ. Và thị trường Hòa Lạc cần ít nhất khoảng 3 năm nữa mới thực sự có sóng.

Vị này cũng cho biết, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, quỹ đất nội đô ngày càng cạn kiệt, Hòa Lạc với quy hoạch chung đã được phê duyệt là một thị trường tiềm năng nhưng trong dài hạn. Do đó, thị trường này phù hợp với các nhà đầu tư trường vốn, có xu hướng đầu tư lâu dài. Tính chất lướt sóng nếu có sẽ chỉ diễn ra ở 1 số cực ít dự án đẹp, đắc địa, khan hiếm nguồn cung.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bất động sản Hoà Lạc đang có sự xuất hiện các siêu đô thị của những chủ đầu tư lớn như Geleximco, Phú Bình, Vinaconex, Phú Thái, HUD...

Đáng chú ý là Dự án Đô thị Nam Láng Hòa Lạc tại xã Yên Trung có quy mô sử dụng đất lớn nhất với tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch lên đến 498,3 ha do Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco làm chủ đầu tư. Một dự án khác cũng từng được Geleximco công bố sẽ đầu tư tại Hòa Lạc là Khu đô thị sinh thái Đồng Trúc – Ngọc Liệp có diện tích 250,61 ha; tổng mức đầu tư 5.771 tỷ đồng.

Khu đô thị Global consultant thuộc xã Yên Bình do Global Consultant Network – Hàn Quốc lập quy hoạch (diện tích 195,8 ha); Khu đô thị sinh thái Bình Yên thuộc xã Bình Yên do Tổng công ty đầu tư phát triển Xây dựng lập quy hoạch (188,1 ha).

Dự án Phú Cát City nằm tiếp giáp khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ngay cạnh nút giao thông cắt giữa Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21. Golden Lake quy mô 12.000m2 gồm 100 lô đất...

Anh Nam – Một môi giới cũng tiết lộ, tại Hoà Lạc cách đây 1 năm, giá đất chỉ bằng 1/2 giá hiện nay. Tình hình giao dịch tại khu vực này đang rất sôi động và được nhiều người quan tâm. Thị trường này sẽ còn có những dấu hiệu tăng giá trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, việc tăng giá trên đang vượt quá giá trị thực của nó và nguyên nhân chính là do giới đầu cơ vận dụng thông tin đẩy giá lên.

Nhà đầu tư không quá vội vàng

Cũng theo anh Nam, mức giá trên có dấu hiệu tăng ảo và sẽ xuất hiện nhiều yếu tố rủi ro khi đầu tư vào thị trường này. Nhà đầu tư cần tỉnh táo, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thông tin nhanh nhạy và biết nắm bắt thời cơ thì đây là một cơ hội để đi trước thị trường. Nhưng nếu đầu tư theo phong trào một cách thiếu hiểu biết, theo tâm lý đám đông thì khả năng mua phải đất đắt hơn giá trị thực, hoặc khu vực có khả năng bị quy hoạch, sẽ rất lớn.

Còn qua khảo sát tại các sàn kinh doanh bất động sản, tại thời điểm này, khách đến chủ yếu xem giá cả và tìm hiểu một số khu đất chứ không mấy người đặt mua ngay. Tại không ít dự án, đa phần giao dịch vẫn là các nhà đầu tư mua bán, chỉ có một phần nhỏ là mua để phục vụ nhu cầu ở. Do đó, thị trường đang có dấu hiệu "bong bóng" và sẽ nhanh chóng hạ "nhiệt" trong ngắn hạn.

Trao đổi với DĐDN, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam từng cho biết: "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" mang tính định hướng. Trong vòng 10 - 20 năm tới, trung tâm hành chính của Hà Nội vẫn chỉ ở quanh Thủ đô, còn việc đưa về Ba Vì là dài hạn. Các nhà đầu tư không nên quá vội vàng".

Cũng theo ý kiến của một số chuyên gia, thực tế việc quy hoạch và thực hiện xây dựng theo quy hoạch là cả một quá trình. Nhất là khi quy hoạch chưa được phê duyệt thì việc mua bán, đầu cơ đất đai là rủi ro rất cao.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, trên thực tế các dự án bất động sản phía Tây Hà Nội vẫn là khu vực hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong vài năm gần đây. Nhưng chỉ cách đây 10 năm cơn sốt nhà đất phía Tây đã khiến cho không ít người "lướt sóng" tại khu vực này mắc cạn và tự thoái trào.

“Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc để ngăn chặn việc vỡ thị trường khi giới đầu cơ xả hàng, người dân mải chạy theo lợi nhuận rất dễ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang và phát sinh những tệ nạn xã hội không đáng có” – GS Đặng Hùng Võ đề xuất.

Phương Uyên