Bất động sản 2022 sẽ được định vị lại, bắt kịp xu hướng Thái Lan, Malaysia, Singapore,…
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam, trong 5 năm qua, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, sự sôi động của thị trường BĐS góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và đô thị.
Về cơ chế, chính sách, chuyên gia DKRA Vietnam cho rằng Luật Kinh doanh bất động sản đã cởi mở hơn khi người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam và thị trường ghi nhận sự phát triển của các loại hình mới như condotel, officetel,...
Trong giai đoạn giãn cách do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hình thức bán hàng trực tuyến trên nhiều nền tảng được đẩy mạnh hơn và xuất hiện mô hình đầu tư BĐS chia nhỏ.
Bên cạnh thông tin tích cực, ông Hoàng đánh giá thị trường cũng tồn tại nhiều bất cập như những đợt sốt đất ảo.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Hoàng cho rằng 2022 là thời điểm phù hợp để định vị lại thị trường bất động sản, đưa thị trường phát triển và bắt kịp xu hướng các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore,…
“Trong quá trình định vị lại, cần lưu ý điều chỉnh các tiêu chí giá ở các phân cấp căn hộ phù hợp với giá thực tế của thị trường. Đơn cử như khung giá phù hợp của căn hộ hạng C là dưới 35 triệu đồng/m2, căn hộ hạng B trên 35 - 60 triệu đồng/m2, căn hộ hạng A trên 60 - 100 triệu đồng/m2 và hạng sang trên 100 triệu đồng/m2”, ông Hoàng nói.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường, nhất là sự phát triển của các loại hình BĐS mới.
Trong đó, nhà nước nên sớm có khung pháp lý chắc chắn đối với các loại hình BĐS mới, vừa thúc đẩy sự tăng trưởng, vừa đảm bảo quyền lợi của khách hàng và nhà đầu tư.
Mặt khác, theo quan điểm của chuyên gia DKRA Vietnam, việc ban hành các chương trình nhà ở quốc gia mang tính lâu dài như nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,… phải gắn liền với vấn đề tài chính cho người mua nhà lần đầu.