|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Báo nước ngoài phản ánh nguy cơ thiếu điện ở Việt Nam từ năm 2021

18:20 | 31/07/2019
Chia sẻ
Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng từ năm 2021 vì tăng trưởng nhu cầu vượt tốc độ xây dựng nhà máy điện mới.

Reuters trích dẫn thông tin từ email của Bộ Công Thương cho biết nhu cầu điện của Việt Nam sẽ vượt nguồn cung 6,6 tỉ kWh vào năm 2021, và dự kiến lên đến 15 tỉ kWh vào 2023.

Ngoài ra, nhiều dự án năng lượng tại Việt Nam cũng đối mặt với việc chậm tiến độ trong thời gian dài. 

Tháng trước, truyền thông quốc gia cho biết 47/62 dự án điện 200 MW hoặc hơn chậm tiến độ, với một số dự án bị chậm ít nhất 2 năm so với kế hoạch.

"Các nhà phát triển đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đảm bảo có đủ ngân sách từ các nguồn địa phương và chính phủ đã hạn chế bảo lãnh các khoản vay nước ngoài", Bộ Công Thương cho biết trong tuyên bố.

Việt Nam sẽ cần trung bình 6,7 tỉ USD mỗi năm để tăng công suất sản xuất điện hàng năm thêm 10% trong giai đoạn 2016 - 2030. 

"Đây là một thử thách lớn, vì giá điện hiện tại chỉ vừa đủ cho các nhà phát triển có lợi nhuận", tuyên bố cho hay. 

Với dân số 96 triệu người và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm vào khoảng 7% nhờ đầu tư nước ngoài và xuất khẩu mạnh mẽ, sản xuất điện của Việt Nam cần tăng từ mức hiện tại 48.600 MW lên 60.000 MW vào năm 2020 và 129.500 MW vào 2030.

Trong 2018, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam sẽ cần đầu tư tới 150 tỉ USD vào năm 2030, gấp gần hai lần mức 80 tỉ USD đã chi cho ngành điện kể từ năm 2010. 

Việt Nam đang gia tăng sự phụ thuộc vào than đá, chiếm 38,1% công suất sản xuất điện của cả nước, Bộ Công Thương cho hay. 

Bộ cho biết thêm Việt Nam sẽ phải sử dụng 720 triệu tấn than trong nước, cộng với 680 triệu tấn than nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện trong giai đoạn 2016 - 2030.

Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nhà máy điện, và tình trạng thiếu điện được dự báo sẽ giảm dần sau năm 2025, khi nhiều nhà máy điện khí mới được đưa vào hoạt động. 

Thiếu cơ sở hạ tầng năng lượng có thể hạn chế dòng vốn đầu tư chảy vào một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, và gây trở ngại cho vị thế là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung của Việt Nam, theo Reuters.

Lyly Cao

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.