|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gần 30 dự án điện chậm tiến độ đẩy nguy cơ thiếu điện từ 2020 trở nên trầm trọng

15:27 | 06/06/2019
Chia sẻ
Nhiều dự án điện gặp khó khăn, vướng mắc và khó hoàn thành theo tiến độ, kéo theo đó, Việt Nam phải huy động thêm 1,7 tỉ KWh điện vào năm 2019 và 5,2 tỉ kWh vào năm 2020 nhưng vẫn đứng trước nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Hết điện dự phòng, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu điện từ năm 2020

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) vừa công bố để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW, đến năm 2025 con số này tương ứng là 96.500 MW và đạt 129.500 MW vào năm 2030.

Tuy nhiên, nếu như năm 2015 – 2016, hệ thống điện dự phòng đạt khoảng 20 - 30% thì đến 2018 - 2019 hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện, nhất là khu vực miền Nam.

Do đó, để hệ thống điện có thể đáp ứng được nhu cầu điện toàn quốc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết sẽ phải huy động thêm nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng tương ứng 1,7 tỉ KWh vào năm 2019 và 5,2 tỉ kWh vào năm 2020.

Tuy nhiên, trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Gần 30 dự án điện chậm tiến độ đẩy nguy cơ thiếu điện từ 2020 trở nên trầm trọng  - Ảnh 1.

Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện, nhất là khu vực miền Nam.

Đáng chú ý, các năm từ 2021 - 2025, mặc dù sẽ huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu nhưng hệ thống điện nhiều khả năng không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ năm 2024 và 3,5 tỉ kWh năm 2025.

Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn sắp tới. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tìm cách tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu về điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Nguyên nhân thiếu điện do nhiều dự án chậm tiến độ

Cũng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, có gần 30 dự án điện thuộc Quy hoạch Điện VII điều chỉnh chậm tiến độ, trong đó đáng chú ý có dự án chậm đến 8 năm.

Cụ thể, trong tổng công suất nguồn giai đoạn 2016 - 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư là 7.185 MW với 23 dự án các loại, các nguồn điện ngoài EVN là 14.465 MW. Trong số 23 dự án do EVN đầu tư có 10 dự án đạt tiến độ, 13 dự án chậm hoặc lùi tiến độ. Đến nay EVN đã hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành 8 dự án, đang xây dựng 4 dự án, đang thực hiện công tác thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng 11 dự án.

Kế đến, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao làm chủ đầu tư 8 dự án nguồn với tổng công suất 11.400 MW, với giai đoạn 2016 - 2020 có 3 dự án, giai đoạn 2021 - 2025 là 5 dự án. Đến nay cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và khó hoàn thành theo tiến độ.

Trong đó, Tập đoàn đang xây dựng 3 dự án, nhưng đều chậm tiến độ 2 - 3 năm; đang thực hiện thủ tục đầu tư 4 dự án nhưng dự kiến đều chậm từ 2,5 - 3,5 năm so với qui hoạch VII điều chỉnh và 1 dự án đã đề nghị giao cho chủ đầu tư khác.

Còn với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 là 2 dự án, giai đoạn 2021 - 2030 là 2 dự án. Hiện cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.

Bên cạnh đó, các dự án BOT có 15 dự án, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 là 1 dự án, số còn lại thực hiện trong 2021 - 2030. Theo đánh giá chỉ có 3 dự án có khả năng đạt tiến độ, còn 12 dự án chậm tiến độ hoặc chưa thể xác định tiến độ vì vướng mắc trong đàm phán.

Các dự án IPP có 8 dự án với công suất đặt là 7.390 MW nhưng đến nay mới có 1 dự án hoàn thành đúng tiến độ, 2 dự án có khả năng đạt tiến độ. Các dự án còn lại chưa xác định được thời gian hoàn thành.

Ngoài ra, trong quy hoạch có 5 dự án nguồn điện (trong đó có 1 dự án loại khỏi qui hoạch) đều thuộc giai đoạn 2021 - 2030 chưa có chủ đầu tư.

Gần 30 dự án điện chậm tiến độ đẩy nguy cơ thiếu điện từ 2020 trở nên trầm trọng  - Ảnh 2.

Các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở nơi có phụ tải thấp, hạ tầng lưới điện 110 - 500 kV.

Về các dự án năng lượng tái tạo, đến nay Chính phủ, Bộ Công Thương đã phê duyệt 130 dự án điện mặt trời với công suất khoảng 8.500 MW và các dự án điện gió công suất khoảng 2.000 MW. Tuy nhiên các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở nơi có phụ tải thấp, hạ tầng lưới điện 110 - 500 kV tại các khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu truyền tải.

Cùng với các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, các dự án đường dây 220 - 500 KV cũng đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và các quy định khác.

Đáng chú ý,  dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh bị chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm; các dự án Nhiệt điện Kiên Giang 1&2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, thậm chí lùi sau năm 2030. Dự án Ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025. 

Trường hợp dự án điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024 - 2025 sẽ trầm trọng hơn.







Như Huỳnh