Bảo mật bỗng dưng trở thành thách thức lớn của 2 mạng xã hội hàng đầu thế giới
Phong trào cướp tài khoản các mạng xã hội lớn
Hàng loạt sự cố an ninh xoay quanh các mạng xã hội xảy ra trong năm nay. Các sự cố đều xảy ra với những mạng xã hội lớn như Twitter và Facebook, khiến người dùng một lần nữa đặt câu hỏi lớn về tính bảo mật thông tin của các công ty công nghệ lớn.
Hôm 15/7, hàng loạt tài khoản Twitter của người nổi tiếng như Elon Musk, Bill Gates hay thậm chí Donald Trump đã bị chiếm đoạt với mục đích lừa đảo bitcoin. Các tài khoản đồng loạt đăng bài xúi giục người theo dõi gửi bitcoin đến một địa chỉ cụ thể.
Sau đó Twitter mất nhiều giờ để xử lí sự cố. Vice.com tiết lộ một "nhân viên" của Twitter bắt tay với tin tặc để thực hiện chiến dịch chiếm tài khoản. Nếu đây là sự thật, rõ ràng công tác quản trị an ninh của Twitter có vấn đề bởi nếu không có bảo mật nhiều lớp, sự cố tương tự có thể tái diễn nếu một (hoặc vài) nhân viên của họ phối hợp với tin tặc bên ngoài.
Ngoài ra, CNBC "gợi ý" cho Twitter tính năng ngắt mạch để đóng toàn bộ dịch vụ mà tập đoàn cung cấp trước khi tìm ra "lỗi" và xử lí sự cố.
Gần đây, câu chuyện về tin tặc Việt chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội (thậm chí các tài khoản có tích xanh) cũng trở thành đề tài nóng hổi trên các báo.
Cầu thủ Quang Hải là nạn nhân đầu tiên. Sau khi cướp tài khoản của Quang Hải, tin tặc công bố các thông tin cá nhân cũng như những đoạn tin nhắn riêng tư lên mạng.
Khi câu chuyện về Quang Hải lắng xuống, một cầu thủ bóng đá khác là Ivanovic trở thành "nạn nhân". Dù từng là một trong những danh thủ thế giới và tài khoản có tích xanh nhưng fanpage chính thức của Ivanovic đã lọt vào tay của tin tặc Việt.
Ban đầu, tin tặc đổi hình đại diện fanpage thành ca sĩ Irene của nhóm nhạc Kpop Red Velvet. Sau đó, fanpage chiếu livestream bán hàng online. Thậm chí tin tặc đã công khai hình ảnh (sau đó ảnh biến mất). Để đáp trả, Facebook đã lặng lẽ gỡ tích xanh trên fanpage.
Fanpage của chuỗi đồ ăn Jollibee Foods, chuỗi nhà hàng của Philippines và đã kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2005, cũng lọt vào tay tin tặc . Sau khi mất quyền quản trị và phát livestream bán hàng online vào ngày 3/8, Jollibee Foods dường như vẫn chưa thể lấy lại tài khoản.
Hiện tại, fanpage Jollibee Foods vẫn tiếp tục livestream hàng loạt các clip bán hàng online với đủ loại sản phẩm khác nhau. Ảnh bìa cũng đổi thành biển "quảng cáo" dịch vụ cho thuê fanpage tích xanh, còn hình đại diện đổi sang tên "Phạm Nam Phương". Tin tặc còn để lại cả số điện thoại.
Uy tín của Facebook, Twitter giảm
Hậu quả đầu tiên mà các mạng xã hội lớn chịu ảnh hưởng là danh tiếng. Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), Twitter cũng thừa nhận việc họ không thể ngăn chặn chiến dịch cướp nhiều tài khoản của người nổi tiếng khiến danh tiếng giảm mạnh.
Thậm chí Twitter dự báo vụ việc có thể khiến những "khách hàng" muốn quảng cáo trên nền tảng cân nhắc lại. Hồ sơ gửi lên SEC cho thấy Twitter đứng trước nguy cơ nộp khoản tiền phạt 250 triệu USD vì dùng dữ liệu người dùng làm mục tiêu quảng cáo.
Còn đối với Facebook, hiện mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn chưa có động thái gì trước việc tin tặc chiếm những fanpage có tích xanh. Có lẽ Facebook cần một "cú sốc" lớn như Twitter để "tỉnh ngộ".
Năm 2020 cũng đánh dấu những khó khăn chồng chất của Facebook. Theo Forbes, giá trị thương hiệu Facebook đã giảm 21% so với cùng kì trước đó. Trong phiên điều trần trước các nghị sĩ, Mark Zuckerberg đã thừa nhận hành vi "sử dụng" lại các tính năng mà đối thủ khác nghĩ ra cho Facebook.