Báo Hàn: Việt Nam đã qua thời kỳ là cơ sở sản xuất giá rẻ cho các công ty toàn cầu
Ngày 23/12, Samsung Việt Nam tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Theo đó, Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng là 11.603 m vuông và diện tích sàn là 79.511 m vuông.
Doanh nghiệp cho biết Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Samsung là tòa nhà cao tầng có quy mô lớn chuyên về phát triển công nghệ đầu tiên tại Việt Nam được thành lập bởi một doanh nghiệp FDI.
Bình luận về việc Tập đoàn Samsung Electronics đầu tư xây dựng Trung tâm R&D ở Việt Nam. Tờ The Korean Herald tại Hàn Quốc viết rằng: "Việt Nam đã qua thời kỳ là cơ sở sản xuất giá rẻ cho các công ty toàn cầu".
Lập luận cho quan điểm này, tờThe Korean Herald cho biết gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang muốn khai thác tiềm năng của nhóm lao động trẻ tuổi ở Việt Nam. Cụ thể, Samsung đã tổ chức kỳ thi tuyển dụng, được gọi là Global Samsung Aptitude Test, ba lần chỉ riêng trong năm nay – một đợt tuyển dụng lớn hiếm thấy ở cả trong và ngoài nước .
“Khoảng 99% trong số 2.000 nhân viên của trung tâm là tài năng công nghệ trong nước tốt nghiệp từ các trường hàng đầu như Đại học Bách khoa TP HCM và Đại học Hà Nội,” một quan chức của Samsung Electronics Việt Nam nói với The Korea Herald. “Gần một nửa dân số Việt Nam dưới 25 tuổi, đây là một thị trường hấp dẫn để khai thác sức mạnh của lao động trẻ", vị này nói thêm.
Lực lượng lao động Việt Nam được xem là xương sống trong sản xuất điện thoại thông minh của Samsung. Sản lượng smartphone tại Việt Nam chiếm khoảng 50% tổng xuất khẩu điện thoại di động của công ty.
Tờ The Korean Herald cho rằng Trung tâm R&D là thành tựu cao nhất trong cam kết gắn bó hàng thập kỷ của Samsung đối với Việt Nam. Trung tâm này dự kiến sẽ đóng vai trò chính trong việc phát triển phần mềm cho điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android và thực hiện công việc nghiên cứu về công nghệ mạng 5G và 6G.
Vị quan chức của Samsung cho biết: “Trung tâm R&D mang ý nghĩa biểu tượng rằng đất nước đang chuyển đổi từ một cơ sở sản xuất thành một trung tâm chiến lược, nơi những đổi mới công nghệ quan trọng sẽ diễn ra."
Thời điểm xây dựng Trung tâm R&D của Samsung cũng đúng là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Tuy nhiên, Samsung đã vừa nghiêm ngặt tuân thủ các quy định phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam, vừa bảo đảm an toàn cho số lượng nhân lực tham gia xây dựng mỗi ngày khoảng 1.300 người. Nhờ đó, công trình đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch và không phát sinh bất kỳ một tai nạn lao động nào.
Trong thời gian tới, Samsung có kế hoạch nâng tầm vị thế của các nhà máy ở Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu.
Samsung đề ra kế hoạch phát triển Trung tâm R&D tại Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển số một toàn cầu thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường đại học trong các lĩnh vực công nghệ then chốt của tương lai, bên cạnh việc gia tăng hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin (IT) của Việt Nam.
Ngoài ra, thông qua Trung tâm R&D, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực phần cứng (H/W), phần mềm (S/W) phù hợp với lĩnh vực công nghệ thông tin tiên tiến và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm 2008, Samsung bắt đầu sản xuất smartphone tại Việt Nam với nhà máy ở Bắc Ninh. Tiếp theo, Samsung đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thông qua thành lập nhà máy sản xuất điện thoại thứ hai tại tỉnh Thái Nguyên, khu tổ hợp sản xuất hàng gia dụng tại TP HCM.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng số vốn đầu tư lũy kế của Samsung tại Việt Nam là 18,2 tỷ USD và được dự đoán sẽ vượt quá 20 tỷ USD vào cuối năm 2022.