|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Bão' dịch tả lợn châu Phi: Vào cuộc cùng người chăn nuôi

14:31 | 22/06/2019
Chia sẻ
Dịch tả lợn châu Phi đi qua một số địa phương như một cơn lốc xoáy, để lại cảnh xác xơ, tiêu điều. Chưa khi nào người chăn nuôi điêu đứng vì đàn lợn như hiện nay.

Lợn bệnh, người khóc

Bao nhiêu năm gắn bó với nghề chăn nuôi, chưa bao giờ người dân thôn Yên Sơn (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) phải đối mặt với một "cơn bão" dịch bệnh lớn như vừa qua. Ông Thân Văn Hòa (thôn Yên Sơn) cho hay, 74 con lợn - cả gia tài của gia đình ông Hòa - bỗng dưng mất trắng chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng. Không biết nguyên nhân lợn nhà mình mắc dịch nên ông đã tận dụng làm nguồn thức ăn cho cá. "Giá như tôi biết được nguyên nhân lợn bệnh, có lẽ trại lợn nhà tôi đã không bị chết hàng loạt như thế", những giọt nước mắt trào nơi khóe mắt ông Hòa khi nhắc đến đàn lợn vừa bị tiêu hủy.

"Bão" dịch tả lợn châu Phi: Vào cuộc cùng người chăn nuôi - Ảnh 1.

Tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)

Ngay cả những hộ lợn không nhiễm bệnh cũng đối diện với khó khăn rất lớn. Với thâm niên 12 năm chăn nuôi lợn, ông Phạm Thái Học (xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) - chủ trại lợn lớn thứ tư tại Hải Phòng - cay đắng chia sẻ: Nghề nuôi lợn như nhà tôi bây giờ không còn gì để mất. Khủng hoảng thừa năm 2017 qua chưa lâu, đến dịch lở mồm long móng, rồi lại dịch tả lợn châu Phi, khiến nhà tôi liên tục thua lỗ. Đến nay, tổng nợ của tôi đã lên tới 8 tỷ đồng.

Mặc dù xã Tiên Minh vẫn nằm trong vùng an toàn, nhưng đàn lợn nái 150 con, thêm 1.700 con lợn thịt; mỗi tháng vẫn xuất đi được 300 con lợn, nhưng mỗi lần xuất phải lấy 30 mẫu mang đi làm xét nghiệm, kiểm dịch. "Mỗi mẫu mất 500.000 là đã mất 15 triệu đồng" - ông Học cho hay. Cạnh đó, để duy trì đàn lợn, chi phí mỗi ngày lên tới 30 triệu đồng cho 2,5 tấn thức ăn cùng phí nhân công…

Truyền thông đồng hành cùng người dân

Đến những địa phương đang có ổ dịch tả lợn châu Phi vào thời điểm này, đâu đâu cũng chỉ thấy một màu trắng xóa của vôi bột. Dịch "quét" tới đâu, nông trại hoang tàn tới đó, những hố chôn lợn chết mọc lên khắp nơi. Không khí trong làng, ngoài xã buồn tênh, không nghe một tiếng lợn kêu. Nhiều hộ chỉ biết khóc ròng khi trước mắt họ là khoản nợ khổng lồ không có khả năng chi trả. Nông hộ phá sản, kéo theo doanh nghiệp, đại lý bán cám, thuốc thú y cũng điêu đứng, chưa kể những hệ lụy về ô nhiễm môi trường còn kéo dài âm ỉ về sau…

Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống lại sự xâm nhiễm của dịch tả lợn châu Phi, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, luôn có sự đồng hành của cơ quan truyền thông, báo chí. Với từ khóa tìm kiếm trên google "dịch tả lợn châu Phi" cho ra 23,7 triệu kết quả với các bài viết gồm: Tư vấn cho người chăn nuôi các dấu hiệu dịch bệnh, cách phòng chống; những khó khăn của người chăn nuôi; chính sách hỗ trợ; cảnh báo vắc xin giả…

Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam đã có những tác động tâm lý đám đông khiến nhiều người lo lắng, hoài nghi sợ dịch một cách khó hiểu. Nhiều người tiêu dùng khi đó đã loại hẳn khỏi bữa cơm gia đình món thịt lợn. Với cú pháp gõ trên google ""không quay lưng với thịt lợn" cho hơn 3 triệu kết quả chỉ trong 0,4 giây - là con số minh chứng cho sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan truyền thông làm rõ cho người tiêu dùng, nhất là những bà nội trợ hiểu… Đặc biệt, những khó khăn trong công tác tiêu hủy lợn, đền bù cho người chăn nuôi hay vất vả của những người thực thi công vụ, cán bộ thú y cơ sở đều được báo chí thông tin phản ánh kịp thời. Đây là cơ sở để giúp các cơ quan chức năng cùng bàn bạc, đưa ra các giải pháp phù hợp.

Tình trạng lợn sạch trong vùng dịch bà con không tiêu thụ được, trong khi đó, nguy cơ mất cân đối cung - cầu thời điểm cuối năm hoàn toàn có thể xảy ra. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có điễn biến phức tạp, khó lường, gây rất nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tìm giải pháp thu mua thịt lợn, chế biến và cấp đông để bán ra khi thị trường có nhu cầu. Thịt lợn thu mua, giết mổ, cấp đông đều được kiểm dịch an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đây là một trong những ví dụ cụ thể trong việc vào cuộc phản ánh của báo chí và sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng để có thể đưa ra giải pháp hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay.

Dịch tả lợn châu Phi được nhận định vẫn còn diễn biến phức tạp. Với việc tuyên truyền đúng đắn, khoa học, thông minh và đủ liều lượng, cơ quan truyền thông đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành và bảo vệ những người chăn nuôi lợn.

Nguyễn Hạnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.