|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Báo cáo Quốc hội về cải cách tiền lương trong năm 2025

11:00 | 21/12/2024
Chia sẻ
Bộ Nội vụ sẽ xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội trong năm 2025.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại hội nghị tổng kết ngành ngày 21/12, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025 là triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo kết luận của Bộ Chính trị hồi tháng 6/2024.

Đến nay, tất cả bộ ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương, với tổng số 840 vị trí; trong đó 122 vị trí lãnh đạo, quản lý; 656 vị trí công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 40 vị trí công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; 22 vị trí hỗ trợ, phục vụ. Khối Chính phủ gồm 31 vị trí; đơn vị sự nghiệp công lập có 559 vị trí; cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong năm 2024, bộ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương. Một trong những đột phá là đề xuất thực hiện cải cách tiền lương theo "lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả". Trong đó, lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay; bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu sáng 21/12. (Ảnh: Nguyên Phong).

Nghị quyết 27/2018 của Trung ương đặt mục tiêu từ 1/7/2021 áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương phải lùi lại.

Quốc hội sau đó quyết định cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng, áp dụng từ 1/7/2024. Song quá trình thực hiện có nhiều bất cập phát sinh, các cơ quan phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên mức lương cơ sở và hệ số lương chưa thể bãi bỏ.

Thay vào đó, Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng từ 1/7 và đã được Quốc hội thông qua. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định đây là phương án tối ưu, công bằng, bình đẳng nhất và "tất cả cùng vui" trong lúc chờ thực hiện cải cách tiền lương theo vị trí việc làm.

Viết Tuân