|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bản tin thị trường năng lượng ngày 3/8: Giá dầu suy giảm trước sức ép của kinh tế vĩ mô thế giới

20:33 | 03/08/2020
Chia sẻ
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, trong tuần vừa rồi, dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu vẫn là yếu tố định hướng chính cho giá dầu. Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh nhất tuần trong phiên ngày 30/7 trước những áp lực từ những thông tin kinh tế vĩ mô tiêu cực.
Bản tin thị trường năng lượng ngày 3/8: Giá dầu suy giảm trước sức ép của kinh tế vĩ mô thế giới - Ảnh 1.

Bản tin thị trường năng lượng ngày 3/8: Giá dầu suy giảm trước sức ép của kinh tế vĩ mô thế giới. Nguồn: Pixabay

Dưới đây là phân tích diễn biến thị trường năng lượng toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 3/8: 

Theo Báo cáo Sản xuất dầu thô của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng khai thác dầu thô tháng 5 của Mỹ đạt 10,001 triệu thùng/ngày, giảm 1,98 triệu thùng so với mức sản lượng điều chỉnh 11,99 triệu thùng/ngày trong tháng 4. 

Nhu cầu dầu thô của Mỹ trong tháng 5 giảm 4,15 triệu thùng hay 20,5% so với cùng kì năm ngoái xuống còn 16,1 triệu thùng/ngày. 

Sản lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ giảm xuống 2,93 triệu thùng/ngày so với mức 3,07 triệu thùng/ngày. 

Theo khảo sát của Reuters, sản lượng khai thác của các nước OPEC đạt 23,32 triệu thùng/ngày trong tháng 7, tăng 970.000 thùng/ngày so với tháng 6, mức thấp nhất kể từ năm 1991. 

Mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm của cả nhóm trong tháng 7 đạt 94%, so với mức tuân thủ (điều chỉnh) 111% trong tháng 6. 

Theo hãng Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu và khí gas tại Mỹ không thay đổi trong tuần kết thúc ngày 31/7 ở mức 251 giàn khoan. Trong đó, số lượng giàn khoan dầu giảm 1 giàn xuống còn 180 giàn trong khi số gian khoan khí gas tăng 1 giàn lên 69 giàn. 

Theo hãng tin Interfax đưa tin, sản lượng khai thác dầu và khí gas ngưng tụ của nước này trong tháng 7 đạt 39,63 triệu tấn (tương đương 9,37 triệu thùng/ngày), tăng so với mức 38,16 triệu tấn (9,32 triệu thùng/ngày) trong tháng 6. 

Theo Bộ Dầu mỏ Iraq, nước này đã xuất khẩu trung bình 2,76 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7, với mức giá trung bình 40,7 USD/thùng.

Trong tuần vừa rồi, dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu vẫn là yếu tố định hướng chính cho giá dầu. Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh nhất tuần trong phiên ngày 30/7 trước những áp lực từ những thông tin kinh tế vĩ mô tiêu cực. 

Cụ thể, GDP của Mỹ trong quí II năm nay tăng trưởng âm, giảm tới 32,9% so với cùng kì năm ngoái. 

Với tư cách nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, nền kinh tế Mỹ suy yếu ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng phục hồi của nhu cầu dầu thô toàn cầu. 

Thêm vào đó, GDP của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là đầu tàu kinh tế của cả khối, cũng đã tăng trưởng âm trong quí II vừa rồi ở mức -11,7%.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy yếu, thị trường dầu thô bước vào tháng 8 cũng là thời điểm nhóm OPEC+ bắt đầu nới lỏng hạn mức cắt giảm sản lượng.

Dù vậy, ngay từ trong tháng 7, sản lượng khai thác dầu thô của các nước trong nhóm OPEC cũng đã tăng lên gần 1 triệu thùng, gây thêm sức ép cho giá dầu.

Trong tuần vừa rồi, Việt Nam đã phát hiện mỏ dầu Kén Bầu 2X có trữ lượng dầu khí lớn nhất từ trước đến nay nằm cách bờ chưa tới 100km.

Giá dầu thô WTI tháng 9 tăng 0,88% nhờ thông tin sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ giảm mạnh trong tháng 5.

Giá dầu thô Brent tháng 10 tăng 0,62%. Giá được sự sụt giảm của đồng USD tiếp tục hỗ trợ.

Giá khí gas tự nhiên tháng 9 giảm 1,64% do thời tiết tại Mỹ mát mẻ hơn dự báo.

Giá xăng RBOB tháng 9 giảm 1,65% do những lo ngại về tình hình dịch bệnh tại Mỹ tác động lên nhu cầu nhiên liệu nước này.

Chi tiết bản tin thị trường năng lượng ngày 3/8:

Ngọc Ánh