|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bán lẻ được mùa khi kinh doanh trực tuyến

17:18 | 21/12/2016
Chia sẻ
Xu hướng đầu tư bán lẻ qua thương mại điện tử tiếp tục được các doanh nghiệp dồn lực, với kế hoạch tiếp cận khách hàng khá bài bản, nhằm tiếp tục gia tăng doanh thu qua kênh thương mại quan trọng này.
ban le duoc mua khi kinh doanh truc tuyen
Doanh thu từ kênh thương mại điện tử trong cả năm 2016 của FPT Retail sẽ vượt 50 triệu USD (Ảnh: Báo Đầu tư)

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) chỉ mới bước vào lĩnh vực bán lẻ di động từ năm 2012, với 2 thương hiệu là FPT Shop và F.Studio by FPT (F.Studio chuyên doanh sản phẩm của Apple) đã có được doanh thu vượt mức kỳ vọng chỉ riêng từ mảng thương mại điện tử, 45 triệu USD sau 10 tháng năm 2016, tương đương 1.000 tỷ đồng, tăng 227% so với cùng kỳ.

Dự kiến, doanh thu từ kênh thương mại điện tử trong cả năm 2016 sẽ vượt 50 triệu USD, là dấu mốc vượt cả kỳ vọng ban đầu của Công ty.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Tổng giám đốc FPT Retail, bà Nguyễn Bạch Điệp cho hay, FPT Retail tham gia thị trường bán lẻ di động khi những tên tuổi lớn, nhỏ thuộc các phân khúc đều đã được định hình. Đây có thể xem là quyết định mạo hiểm, bởi những “underdog” - doanh nghiệp đi sau trên thị trường như FPT đòi hỏi cần có chiến lược kết hợp tiềm lực mạnh mẽ để có thể vượt lên.

Ngay năm đầu tiên, FPT Retail đã đạt mốc 50 cửa hàng và chỉ 3 năm sau, con số này đã là 370 cửa hàng.

Kết thúc năm 2015, FPT Retail ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng, với mức tăng lên đến 148% so với năm 2014, đạt 7.832 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng, tăng 350% so với năm 2014.

Trước những kết quả trên, Tổng giám đốc FPT Retail cho rằng, thị trường bán lẻ di động tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội.

Theo đánh giá của Công Ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam, các chuỗi bán lẻ di động đang chiếm khoảng 70% thị phần, 30% còn lại vẫn thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ, vì vậy cơ hội để tiếp tục tăng vùng phủ vẫn còn.

“Nhìn chung, bán hàng online, hay thương mại điện tử tại Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh, vậy nên, chỉ một lĩnh vực thương mại điện tử không thể là đáp án hoàn chỉnh cho FPT Retail. Tuy nhiên, đây vẫn là hướng đi không thể bỏ lỡ, khi mục tiêu doanh thu từ thương mại điện tử của FPT Retail vào năm 2017 sẽ gấp đôi 2016, đạt 100 triệu USD.

Ông Phạm Thành Công, Trưởng phòng cấp cao Công ty Nielsen cho rằng, môi trường kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử là những nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thay đổi của môi trường bán lẻ trong những năm qua và sẽ còn nhiều thay đổi trong năm tới, trong đó, sự vùng nổ của smartphone sẽ thúc đẩy tăng trưởng mua sắm online.

Ở Việt Nam, người tiêu dùng luôn có nhu cầu kết nối Internet mọi lúc, mọi nơi; đây là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển kinh doanh trực tuyến.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT, nhà quản lý nền tảng bán hàng trực tuyến Bizweb, ông Trần Trọng Tuyến nhận định, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Với một thị trường có hơn 40 triệu người sử dụng Internet, trong đó có hơn 30 triệu người sử dụng Facebook, ngày càng có nhiều người quen sử dụng công cụ tìm kiếm phổ biến như Google để tìm hiểu thông tin về các sản phẩm trước khi quyết định mua sắm, các doanh nghiệp cần tích cực phát triển nền tảng bán hàng đa kênh thông qua trang web, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… để thu hút khách hàng.

So với tổng doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng của năm 2016, thì mức đóng góp 1.000 tỷ đồng chưa nói lên nhiều điều, nhưng cũng là cơ sở quan trọng để FPT Retail đầu tư đúng cho kênh bán hàng này.

“Chúng tôi đang chuẩn bị các hướng đi cho tương lai, ngoài việc tiếp tục mở rộng vùng phủ về các tuyến huyện cấp 2 trong các năm tới, tập trung vào chính sách “cày sâu, cuốc bẫm”, như triển khai một loạt các dự án để khai thác sâu hơn lượng khách hàng trên thị trường, tiếp cận khách hàng tận nơi, giúp mang thêm khách hàng về cho chuỗi shop đang hiện hữu, giúp tăng trưởng doanh thu trung bình shop trong thời gian tới”, bà Điệp nhấn mạnh.

Cùng đó, Công ty sẽ dựa trên lợi thế về kinh nghiệm mở chuỗi, kinh nghiệm bán lẻ, lợi thế ứng dụng công nghệ vào quản lý,… để nghiên cứu, tìm kiếm, thử nghiệm các mảng kinh doanh hoàn toàn mới nhưng nhiều tiềm năng, song song và độc lập với chuỗi FPTshop, để tạo đà tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận cho các năm tiếp theo.

Mặc dù, không phải lúc nào cũng suôn sẻ do những hạn chế về khâu thanh toán, vận chuyển…, nhưng việc đầu tư phát triển mảng kinh doanh trực tuyến không thể chậm trễ. Lợi thế của các doanh nghiệp như FPT Retail là đang có sẵn chuỗi cửa hàng bán lẻ trực tiếp trên khắp các tỉnh, thành phố, cùng lượng hàng hóa phong phú sẽ là điểm tựa chắc chắn cho việc tăng trưởng doanh thu trong mảng thương mại điện tử so với các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực trên thị trường.

Hải Yến