|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Băn khoăn đánh giá lại quy mô GDP

08:45 | 03/11/2019
Chia sẻ
Dù đánh giá lại quy mô GDP tăng so với số liệu trước đó, song nhiều chuyên gia đã chỉ ra những băn khoăn khi nhiều nhóm kinh tế chưa được đề cập đến như: kinh tế chưa được quan sát, kinh tế ngầm, thất thu thuế, buôn lậu...

Tại Tọa đàm với chủ đề: “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” tổ chức ngày 31/10, Tổng cục Thống kê cho biết qua đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế giai đoạn 2011-2017, hơn 76.000 doanh nghiệp (DN) được bổ sung vào đánh giá đã khiến GDP giai đoạn này tăng thêm 25,4%/năm. Mức tăng đó khiến các chuyên gia băn khoăn về phương pháp tính cũng như những tác động tới dự toán ngân sách thời gian tới.

Không có nhiều ý nghĩa?

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết việc đánh giá lại quy mô GDP đều được các nước trên thế giới áp dụng và là công việc thường xuyên.

Thống kê cho thấy sau khi đánh giá lại, quy mô GDP của các nước đều tăng. “Có nước chỉ tăng thêm 3,6 - 7%, có những nước tăng thêm 20 - 30%, cá biệt có những nước tăng đến 60 - 70%. Còn ở Việt Nam, sau khi tính lại, GDP giai đoạn 2010 - 2017 tăng thêm 25,4%”, bà Hương nói.

Chẳng hạn, năm 2013, GDP của Mỹ tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu công bố. Quy mô GDP năm 2011 của Canada sau khi đánh giá lại tăng thêm 2,4%; Trung Quốc 3 lần đánh giá lại GDP năm 2004, 2008 và 2013 bổ sung khoảng 305 tỷ USD, 3,4% vào tổng số GDP năm 2013...

Theo lãnh đaọ Tổng cục Thống kê, việc GDP thay đổi bao nhiêu phần trăm sau khi tính toán lại phụ thuộc vào quy mô của từng nền kinh tế.

Tuy nhiên, Ts. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết việc đánh giá lại này sẽ không có ý nghĩa nhiều với quá khứ và hiện tại, bởi những số liệu đó đã diễn ra trong quá khứ, nền kinh tế đã diễn ra như vậy.

Trong khi đó, việc nghiên cứu, xem xét những tác động đến tương lai mới là điều đáng quan tâm và đáng quan ngại, bởi chỉ tiêu GDP là căn cứ, cơ sở để tính một số chỉ tiêu quan trọng như: nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách... so với GDP.

Ông Long dẫn ví dụ: hiện nay, nợ công đang ở ngưỡng 58,4 GDP sẽ về dưới 50% GDP khi quy mô nền kinh tế được đánh giá lại. Tương tự, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP sẽ giảm dưới 40%; đầu tư công trên GDP cũng giảm xuống dưới 23-24% so với mức 30% hiện tại. Những con số này về mặt hình thức sẽ tạo ra dư địa chi tiêu, đầu tư và vay nợ nhiều hơn.

“Vấn đề này cũng có tính hai mặt, nếu việc chi tiêu, đầu tư là có hiệu quả thì nền kinh tế sẽ được hưởng lợi. Ngược lại, nếu tăng chi tiêu, tăng vay nợ nhưng không hiệu quả sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Long cho biết việc đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế sẽ là rủi ro nếu Quốc hội giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế cũ trên nền tảng của GDP mới. Như trước đây, Quốc hội duyệt thâm hụt ngân sách bằng 3,6% GDP, nếu quy mô GDP tăng lên mà Quốc hội không thay đổi chỉ tiêu 3,6% thì dư địa cho việc chi tiêu sẽ tăng lên.

“Nền tảng của việc tăng chi tiêu phải căn cứ vào tổng nguồn thu từ nền kinh tế, tuy nhiên việc đánh giá lại quy mô GDP không có nghĩa là nguồn thu sẽ tăng lên”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhận định.

Băn khoăn đánh giá lại quy mô GDP - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, cách tính lại GDP chưa bao quát được hết nhóm kinh tế

Chưa thể phản ánh chính xác

Theo Ts. Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam (VIDERI), trước đây, GDP của Việt Nam được tính theo phương pháp sản xuất nhưng sau đó đã thay đổi cách tính, dùng cả phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng.

“Tuy nhiên, chúng ta chưa phản ánh chính xác bức tranh kinh tế qua cách tính này khi nhiều khoản như phân bổ trả lãi tiền gửi, trợ cấp cho sản phẩm xuất... chưa được trừ trong bảng cân đối liên ngành”, ông Trinh nói. Hơn thế nữa, đó là còn chưa tính đến việc đã để sót một lượng lớn lên tới 76.000 DN trong cả một giai đoạn khá dài.

Liên quan đến con số DN tăng thêm, ông Long cho rằng: “Việc bổ sung quy mô của những DN này không có nghĩa lúc trước họ vô hình, mà họ vẫn đang hiện hữu. Họ vẫn hoạt động hợp pháp, vẫn đăng ký kinh doanh, đóng thuế đầy đủ, nhưng do cơ quan thống kê bỏ sót”.

Do đó, khi tính thêm vào GDP không có nghĩa những DN này sẽ làm tăng nguồn thu. Đánh giá lại GDP, thu nhập bình quân đầu người tăng về mặt con số nhưng thực chất không cải thiện điều kiện sống.

Ở góc độ khác, Gs.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, băn khoăn việc đánh giá lại GDP chưa thống kê được số liệu rất lớn từ khu vực kinh tế ngầm hoạt động bất hợp pháp như: buôn lậu, trốn thuế, cờ bạc... đang làm thất thoát ngân sách nhà nước khá lớn. Các hoạt động kinh tế không chính thức, chưa có đăng ký về mặt pháp lý, không được tổng hợp trong các hệ thống các chỉ tiêu chính thức của nền kinh tế quốc dân.

Theo ông Thái, một số DN trốn lậu thuế, không đóng BHXH… là hoạt động ngầm, chưa “nổi lên”, nên cơ quan quản lý không thể thống kê được.

Thông tin thêm, ông Thái cho biết nhiều chuyên gia dự đoán quy mô kinh tế ngầm tới 25-30% GDP, nhưng Tổng cục Thống kê cho rằng ít hơn.

Vậy, biện pháp để làm rõ quy mô của kinh tế ngầm là tăng cường công khai minh bạch, tiến nhanh trên con đường số hóa nền kinh tế (kể cả tích hợp các thông tin quản lý) và tích cực phòng chống tham nhũng khi một số quan chức “lờ” đi nhiều hoạt động bất hợp pháp để thu lợi bất chính.

Chưa kể kinh tế bất hợp pháp như ma túy, cờ bạc, buôn lậu… Việt Nam cũng là điểm “trung chuyển” của nhiều hàng hóa bất hợp pháp. Cùng với đó là kinh tế phi chính thức gồm hoạt động nhỏ lẻ, không có hợp đồng lao động.

Ông Thái cũng có nhiều băn khoăn về con số của Tổng cục Thuế công bố năm 2018 có tới gần 600.000 hộ kinh doanh chưa được đưa vào diện quản lý thuế.

“Đây cũng là nguyên nhân chủ quan của công tác quản lý nhà nước cần nhanh chóng khắc phục, nhưng không nên bắt chuyển thành DN, vì kinh tế hộ nên có biện pháp đăng ký đơn giảm hơn”, ông Thái nhấn mạnh.

Đồng tình, ông Long dẫn chứng những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật có thu nhập phát sinh rất cao, hoặc các đối tượng sử dụng phần mềm điện tử để kinh doanh qua mạng... đều là đối tượng mà lâu nay cơ quan thuế chưa thu được giá trị lao động của họ để đóng góp phần giá trị tạo ra vào GDP và thu nhập tạo ra của nền kinh tế.

Từ những dẫn chứng trên, ông Long cho rằng cách tốt nhất để quản lý kinh tế chưa quan sát được là Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lâu dài hơn nữa cho DN, người dân.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Khi tính lại GDP, Tổng cục Thống kê đã tính toán một loạt chỉ tiêu dẫn xuất và phụ thuộc vào GDP. Chúng tôi thấy các chỉ tiêu của Việt Nam khá phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách hiện bằng 20 - 22% GDP, sau điều chỉnh, tỷ lệ này bằng 17 - 18% GDP, vẫn phù hợp với các nước trong khu vực.

Ts. Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân

Cần hết sức cân nhắc đến các những tác động của việc đánh giá lại quy mô GDP. Việc đánh giá lại GDP sẽ làm tăng thu nhập bình quân đầu người trên "sổ sách". Các chỉ tiêu tài chính công gắn liền với GDP sẽ giảm đáng kể, bao gồm nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc đánh giá lại GDP cũng sẽ tạo ra cảm giác an toàn giả tạo nhưng với thực tế nguồn thu từ ngân sách không tăng. Đặc biệt, Việt Nam cũng có thể bị thế giới hoài nghi về con số GDP mới bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ.

Ts. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

GDP có cái dở là nó chỉ nói được sức sản xuất trong "lòng biên giới", không phân tách được khoản thu nhập mà nhà đầu tư nước ngoài thu được tại Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài; hay việc đào đường lên rồi lại lấp xuống cũng được tính vào GDP. Điều này có nghĩa rằng phần thu nhập tốt không được phản ánh chính xác trong GDP. Chỉ số thu nhập quốc dân (GNI) làm điều này tốt hơn GDP.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Huyền Anh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.