Bàn giải pháp tăng xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường sắt
Chiều 23/2, tại thành phố Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam do ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm Trưởng đoàn nhằm trao đổi các nội dung liên quan thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng diễn ra bình thường, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là quặng sắt, nhôm thỏi, đồ gỗ mỹ nghệ, tinh bột sắn, cây huyết đằng, quả thanh long, da heo khô, chân lợn, chân gà nấu chín...
Hàng nhập khẩu chủ yếu là thép các loại, vật liệu chịu lửa, melamin, da lợn, chân gà đông lạnh, chân lợn đông lạnh, hóa chất...
Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Cụ thể, năm 2018, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập đạt 93,8 triệu USD; năm 2019 đạt 93,6 triệu USD; năm 2020 đạt khoảng 98 triệu USD; năm 2021 đạt 161,7 triệu USD; năm 2022 đạt 309,5 triệu USD; năm 2023 đạt 136 triệu USD.
Còn theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng từ năm 2019 đến nay đều tăng, nhưng số lượng tăng không đều.
Cụ thể, năm 2019, tổng lượng hàng xuất nhập khẩu qua đây đạt gần 226.000 tấn; năm 2020 đạt trên 295.000 tấn; năm 2021 đạt trên 524.000 tấn; năm 2022 đạt 773.000 tấn; năm 2023 đạt trên 366.000 tấn.
Đặc biệt, hoạt động vận tải hàng hóa liên vận qua Ga Đồng Đăng cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Ga còn một số hạn chế.
Nguyên nhân chính là do mạng lưới đường sắt quốc gia chưa đồng bộ về khổ đường, cơ sở hạ tầng của ga chưa đáp ứng được tổ chức những chuyến tàu lớn. Hệ thống đường bộ kết nối đến kho hàng và bãi hàng Ga Đồng Đăng bị hạn chế về tải trọng. Thiết bị xếp dỡ hàng hóa còn thiếu, năng lực xếp dỡ, giải phóng các toa xe còn chậm...
Tại buổi làm việc, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mong muốn Lạng Sơn triển khai một số nội dung để hỗ trợ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khai thác hiệu quả tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung.
Cụ thể đó là tiếp tục làm việc với Thị Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để thống nhất về chính sách thuế nhập khẩu chính ngạch hàng hóa nông lâm, thủy sản qua tuyến đường sắt cùng một mức thuế nhập khẩu như vận chuyển qua tuyến đường bộ.
Điều này nhằm thu hút doanh nghiệp vận chuyển, thực hiện xuất khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt; chỉ đạo các sở, ngành, huyện liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để nhà thầu có mặt bằng triển khai Dự án Cải tạo mở rộng, nâng cao năng lực Ga Đồng Đăng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn cơ bản thống nhất với những đề xuất, kiến nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Cùng đó, chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì với các sở, ngành liên quan thực hiện tuyên truyền cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cường sử dụng đường sắt để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, trao đổi với phía cơ quan ngang cấp phía Quảng Tây, Trung Quốc để xem xét lại mức thuế suất hàng hóa nhập khẩu chính ngạch vận chuyển qua tuyến đường sắt. UBND huyện Cao Lộc chủ động triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch để nhà thầu thực hiện thi công Dự án Cải tạo mở rộng, nâng cao năng lực Ga Đồng Đăng…
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng thành tuyến đường sắt tốc độ cao. Đồng thời, định hướng Ga Đồng Đăng kết nối với Khu trung chuyển hàng hóa và logistics của cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; tiếp tục quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng Ga Đồng Đăng; sớm đầu tư đồng bộ hệ thống toa tàu container chạy đông lạnh để phục vụ vận chuyển hàng nông sản, hoa quả tươi…