|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Không kéo dài tiến độ đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

20:32 | 12/02/2024
Chia sẻ
Chính phủ rất quan tâm đẩy nhanh tiến độ đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, không tiếp tục kéo dài bởi sẽ đội vốn, hiệu quả đầu tư thấp, Thủ tướng chỉ đạo.

Kiểm tra hiện trường thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sáng 12/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe đánh giá của chuyên gia nước ngoài về chất lượng kỹ sư, công nhân Việt Nam cũng như biện pháp thúc tiến độ dự án.

Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm làm dự án metro nên phải thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài. Vì vậy, Thủ tướng mong được phía nước ngoài chuyển giao công nghệ, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực.

Thủ tướng đề nghị tư vấn, nhà thầu thiết kế, thi công nỗ lực, huy động nhân lực, máy móc làm việc xuyên Tết với tinh thần "vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, chỉ bàn làm không bàn lùi". Chính phủ, Hà Nội và cơ quan liên quan sẽ tiếp tục gỡ vướng thúc đẩy dự án.

Hôm nay, trên công trường dự án có 40 chuyên gia nước ngoài, 100 tư vấn, giám sát và 800 công nhân. Thăm hỏi cán bộ, công nhân, Thủ tướng mong họ làm tốt hơn, nhanh hơn để bù lại tiến độ vì Covid-19, đảm bảo an toàn trên hết.

Thủ tướng kiểm tra hiện trường thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sáng 12/2. (Ảnh: Nhật Bắc).

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới toàn tuyến dự kiến là năm 2027.

Tuyến đường dài 12,5 km, với 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, đi qua 6 quận, gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình. Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết dự án đạt tiến độ tổng thể 77%, đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã đạt 99,7%, dự kiến vận hành tháng 6.

Với đoạn ngầm hiện đạt tiến độ 40%, nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh thi công để sớm khởi động máy khoan hầm trong quý II. Ga ngầm S12 sâu nhất với thiết kế ba tầng, sâu 35 m dưới mặt đường. Các ga ngầm còn lại sâu 29 m, có hai tầng. Nếu ga S12 chậm sẽ kéo theo cả dự án chậm.

Thủ tướng trò chuyện, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, sáng 12/2. (Ảnh: Nhật Bắc).

Sáng cùng ngày, Thủ tướng thăm công nhân môi trường đang làm việc trên đường Điện Biên Phủ và Hoàng Diệu, cảm ơn họ đã hy sinh ngày nghỉ Tết để Thủ đô xanh, sạch, đẹp. "Nếu biết ơn những công nhân đã giữ gìn cho môi trường xanh, sạch, đẹp thì mỗi người cần đổ rác đúng chỗ, đúng giờ, giúp giảm bớt sự vất vả, khó nhọc của công nhân", Thủ tướng nói.

Thăm người lao động nhà máy nước Yên Phụ, Thủ tướng lưu ý đảm bảo cấp nước thông suốt cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, quốc phòng, phòng cháy chữa cháy.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng đến kiểm tra và làm việc tại dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP HCM. Đây là lần thứ tư người đứng đầu Chính phủ tới khảo sát, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở công trình này, kể từ khi khởi công hồi cuối năm 2022.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư) cùng các đơn vị liên đã đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đặc biệt, gói thầu lớn nhất của công trình là xây dựng nhà ga hành khách sau khoảng 6 tháng khởi công hiện rõ dần hình hài. Bên ngoài, tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, dài khoảng 4 km dẫn vào nhà ga T3 do TP HCM thực hiện cơ bản hình thành.

Để đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư cùng các nhà thầu tiếp tục huy động nhân lực, thiết bị cùng ứng dụng nghệ để rút ngắn thời gian thi công, song song đảm bảo chất lượng, mỹ thuật. Trong đó, Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần nỗ lực hoàn thành dự án ga T3 trước dịp 30/4/2025, nhằm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước cũng như sớm tăng công suất sân bay Tân Sơn Nhất, giảm tải cho hai ga T1 và T2 hiện hữu. Để đạt mục tiêu này, ông yêu cầu quá trình triển khai cần xây dựng kế hoạch chi tiết, kiểm soát tiến độ bao gồm phần xây dựng và mua sắm, lắp đặt trang thiết bị tại nhà ga...

Thủ tướng cùng đoàn công tác Chính phủ kiểm tra công trường dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 12/2. (Ảnh: Nhật Bắc).

Trước đó, lãnh đạo ACV cho biết dự án ga T3 đã hoàn thành toàn bộ phần phá dỡ, nền đất, móng cọc, sàn đáy tầng hầm. Nhà thầu đang đồng loạt triển khai các hạng mục chính là ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không... Những hạng mục này hiện đạt khoảng 50% phần thô, đang được kiểm soát chặt chẽ về tiến độ. Trên công trường, các nhà thầu huy động hơn 400 phương tiện, thiết bị và 1.400 công nhân để triển khai đồng loạt các hạng mục.

Dự án ga T3 được Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2020, nhằm nâng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm. Công trình có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, gồm ba hạng mục chính: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn.

Trong đó, nhà ga có một tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 112.500 m2. Ga được thiết kế thành hai phần đi - đến riêng biệt, bên trong có 90 quầy thủ tục, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động, 42 ki-ốt check in, 27 cửa ra máy bay, 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến... Riêng hạng mục nhà xe kết hợp dịch vụ phi hàng không gồm hai tầng hầm, 4 tầng nổi xây trên tổng diện tích 130.000 m2.

Viết Tuân - Gia Minh