|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bài học nào từ thất bại của chiến lược nội địa hoá ngành ô tô?

07:20 | 08/03/2017
Chia sẻ
 Trong hơn 20 năm, chiến lược nội địa hoá ngành ô tô Việt Nam đến nay đã gây nên thất vọng lớn dù Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi. Đầu năm 2017, thời điểm cận kề Việt Nam xoá bỏ thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN và tiến tới là các xe từ Nga, EU... một số liên doanh sản xuất ô tô Nhật đã có những toan tính rời bộ phận sản xuất khỏi Việt Nam.

Bài học của ngành ô tô được nhiều chuyên gia chỉ ra là do các chính sách của Việt Nam chưa đúng, chưa trúng và còn do sự nuông chiều, dễ dãi... Tuy nhiên, bài học xương máu này cần rút ra cho nhiều ngành khác ở Việt Nam, nhất là ngành công nghiệp điện tử - một ngành đang nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư ngoại.

Thất bại vì "hỗ trợ tiền cho người giàu"

Tại một hội nghị mới đây, khi bàn về vấn đề hợp tác công nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam trước thời điểm hai nước tham gia Hiệp định RCEP, một khu vực mậu dịch tự do tương tự như TPP, các chuyên gia kinh tế Việt Nam đánh giá cao công nghệ, kỹ thuật của Nhật Bản. Tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ của nước này sang Việt Nam còn nhiều hạn chế và cũng nằm trong tình trạng chung, sức lan tỏa kém.

bai hoc nao tu that bai cua chien luoc noi dia hoa nganh o to
Công nghiệp ô tô Việt Nam, vẫn mang tiếng lắp ráp sau khi được hưởng nhiều ưu đãi chính sách (ảnh minh hoạ)

Nói đến sự thất bại trong chiến lược nội địa hóa ngành ô tô mà Việt Nam theo đuổi hơn 20 năm qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người rất đau đáu cho doanh nghiệp Việt tâm sự: Chúng ta dọn đường ưu đãi cho doanh nghiệp ngoại, bởi chúng ta kỳ vọng lớn từ họ để có thể bắt tay, kéo DN của chúng ta lên.

"Nhưng cái chính là DN nội địa còn quá yếu, chính sách lại phân biệt, không hỗ trợ, nhiều nơi, nhiều chỗ còn 'trên thảm, dưới đinh'. Nền kinh tế có nguy cơ thành hai loại hình: Kinh tế và chính sách dành cho các DN FDI và kinh tế và chính sách dành cho DN trong nước", chuyên gia này nói.

Bà Lan cho rằng, vấn đề của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, lỗi đầu tiên là do Việt Nam đưa ra chính sách sai lầm, nên tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

"Những năm trước, tôi nghe Toyota muốn Chính phủ hỗ trợ khoảng 2 tỷ USD để họ ở lại Việt Nam sản xuất, lắp ráp. Nhưng đó có phải cái giá để chúng ta có ngành ô tô lắp ráp hay không? Tại sao chúng ta không tạo ưu đãi 1 tỷ USD cho DN tư nhân trong nước để họ làm xe hơi hay chỉ tin vào DN ngoại?", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Trên thực tế, sự thành công lớn nhất trong ngành công nghiệp của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là sản xuất xe máy. Với tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 70%, Việt Nam thực sự đã trở thành công xưởng sản xuất xe máy lớn của thế giới với nhiều tên nổi tiếng có mặt như Honda, Yamaha và mới nhất Piagio đã và đang có mặt, gặt hái được rất nhiều thành công.

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT: Cứ tình trạng này, chúng ta phải đặt ra câu hỏi, có cần thiết để chúng ta có nên làm ô tô và tạo cơ chế chính sách cho họ hay không? Ông Hồ nói: Tôi hỏi thử các chuyên gia Nhật và Việt Nam, bối cảnh toàn cầu hoá, thuế giảm, thương mại phẳng và Việt Nam không có ngành cơ khí chính xác cao có nên làm ô tô hay không? Dây chuyền công nghệ của các hãng liên doanh, tư nhân hiện nay có đủ để cạnh tranh trong cuộc cạnh tranh cách mạng số, nơi những thiết kế được vẽ bằng kỹ thuật 3D, thay đổi từng giờ, phút hay không?

"Hiện nay công nghệ ô tô thế giới đang là nhiên liệu sinh học, chạy điện và xe ô tô bay chứ không còn là xe hơi chạy xăng, tiêu chuẩn Euro 3, 4 hay xe chạy động cơ diesel nữa. Nếu chúng ta không có chiến lược cho ngành ô tô, tiếp tục bảo hộ thị trường, chỉ đặt mục tiêu nội địa hóa bao nhiêu, thì 5 - 10 năm nữa, chúng ta lại gặp một thất bại mới", TS Hồ nói.

Cũng cùng thân phận gia công và chờ đợi nội địa hóa cao như ô tô, ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao của Việt Nam đã và đang được kỳ vọng là ngành trọng điểm của nền kinh tế. Trong 3 năm trở lại đây, ngành này bên cạnh thu hút được số vốn rất khủng của các nhà đầu tư "cá mập" như Samsung, LG, Microsoft, Canon, Foxcon, Intel... thì cũng tạo ra những tỷ đô thặng dư thương mại lớn do xuất khẩu cao hơn nhập khẩu mang lại.

Bài học nào cho công nghiệp điện tử Việt Nam

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã và đang chỉ ra những bài học cũ và những nguy cơ giới hạn trong tăng trưởng đối với ngành công nghệ điện tử đang ngày một lớn.

Điểm lại một thời, Việt Nam vui mừng khi đón dự án 1 tỷ USD từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam, người Việt kỳ vọng Intel vào Việt Nam sẽ là động lực để vực dậy, thu hút và lan tỏa đến các DN Việt Nam phát triển nền công nghiệp vi mạch, điện tử, phần mềm nội dung số, để chúng ta có những sản phẩm không chỉ "làm ra ở Việt Nam - made in Vietnam" mà còn là "được sản xuất bởi người Việt Nam - made by Vietnam".

Theo nhận định của TS Lưu Bích Hồ: Dẫu bối cảnh Việt Nam hiện nay khác với Nhật Bản, Hàn Quốc từ hàng chục thập kỷ trước, nhưng chiến lược của các Nhật Bản, Hàn Quốc thành công khi xây dựng các tập đoàn lớn chính là họ hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp tư nhân, từ kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã để có được những tập đoàn lớn như hiện nay.

"Để có được Samsung, từ một công ty bán dẫn yếu đuối, trở thành tập đoàn đa ngành nghề điện tử, đóng tàu, cơ khí chính xác, thậm chí ô tô như hiện nay, dù họ đi sau các tập đoàn Nhật Bản nhiều năm, nhưng đến nay họ đã vượt qua nhiều tên tuổi lớn ngành điện tử, trở thành đế chế của thế giới", TS Hồ tâm sự.

Nhìn về Việt Nam, ông Hồ cho rằng: Chúng ta không còn có cơ hội như Nhật, như Hàn khi đất nước họ được thừa hưởng và ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 vào phát triển đất nước. Nhưng chúng ta không thiếu các doanh nhân có tâm, có tầm mà chúng ta thiếu chính sách trợ giúp, hỗ trợ họ. Hiện, chúng ta đang ở cửa ngõ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bắt tay vào khai thác cơ hội hay bỏ qua, đó là lựa chọn của chúng ta.

Trở lại với ngành điện tử công nghệ cao đang lên cơn sốt khi có đóng góp lớn vào giá trị thương mại Việt Nam, với tỷ trọng xuất siêu cho nền kinh tế đạt 23,7 tỷ USD (năm 2016). Tuy nhiên, xuất siêu khu vực DN FDI đạt được phần lớn đến từ nhập khẩu, lắp ráp và lợi thế thị trường mang lại, bởi nếu xuất khẩu đạt 125,9 tỷ USD, thì nhập khẩu đạt 102,2 tỷ USD (chiếm 81,2% kim ngạch xuất khẩu), trung bình mỗi tháng khu vực DN FDI có quy mô lớn, chỉ xuất siêu gần 2 tỷ USD.

Theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, một thời chúng ta kỳ vọng, khi Intel đổ vốn tỷ USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ giúp Việt Nam sớm xây dựng khu này được như "thung lũng Silicon" Bangalore tại Ấn Độ hay một mô hình nghiên cứu, chế tạo của Thẩm Quyến ở Trung Quốc.

"Tuy nhiên, cũng chính sự kỳ vọng quá sức về hiệu ứng lan tỏa đã khiến chúng ta thất vọng khi Intel đến nay vẫn chưa thực sự tạo điểm nhấn cho ngành công nghiệp bán dẫn, xung lực phát triển của công nghệ cao Viêt Nam. Cuối tháng 9/2016, chính Công ty Intel Việt Nam cũng phải tái cơ cấu, giảm quy mô hoạt động tại Việt Nam", ông nói.

Còn đối với Samsung, với tầm vóc của nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam hiện nay, họ đã cam kết sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trị giá 300 triệu USD tại Hà Nội ngay trong năm 2016. Và hãy chờ đợi bước đi đầu tiên của doanh nghiệp ngoại, khi họ chọn Việt Nam để xây dựng một Viện nghiên cứu hoàn chỉnh, thay vì xây dựng các dự án nghiên cứu nội bộ, thành phần kiểu như Bosch, HP, Intel đã làm nhưng không hiệu quả tại Việt Nam.

Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Bài học thành công của xe máy liên doanh Việt - Nhật và sự thất bại trong chính sách phát triển ô tô, dù ở thời điểm khác nhau, dù công nghệ, trình độ kỹ thuật khác nhau không thể so sánh tương đồng. Tuy nhiên, đây là bài học, là cách chọn lựa, đúc kết để Việt Nam rút ra cho mình kinh nghiệm xây dựng ngành công nghiệp điện tử lớn mạnh trong tương lai.

Nguyễn Tuyền