|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bài học đầu tư nông nghiệp tại Lào, Campuchia nhìn từ cao su

20:29 | 17/02/2017
Chia sẻ
"Phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và những quy định quốc tế về an sinh xã hội thì mới tạo ra giá trị bền vững cho đầu tư nước ngoài của Việt Nam", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
bai hoc dau tu nong nghiep tai lao campuchia nhin tu cao su

Hội thảo "Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng nông Mê Kông" do VCCI phối hợp cùng tổ chức Oxfam và PanNature tổ chức.

Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra các quốc gia ASEAN như Lào hay Campuchia. Ngoài tín hiệu tích cực từ những doanh nghiệp thành công khi đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam như Viettel hay Vinamilk nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn luôn "rình rập" các nhà đầu tư đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Hội thảo "Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng Mê Kông" do VCCI phối hợp cùng tổ chức Oxfam và PanNature tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Một trong những lưu ý dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài là việc tuân thủ chặt chẽ pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và những quy định quốc tế về an sinh xã hội thì mới tạo ra giá trị bền vững cho đầu nước nước ngoài của Việt Nam".

bai hoc dau tu nong nghiep tai lao campuchia nhin tu cao su

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Tuấn cho biết, hình ảnh của các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ở nước ngoài sẽ tác động đến hình ảnh của Việt Nam, hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam và hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, VCCI hay các tổ chức xúc tiến thương mại khác cũng muốn các doanh nghiệp tiên phong chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà đầu tư.

"Nếu doanh nghiệp không đáp ứng những yêu cầu về môi trường, an sinh xã hội thì rất dễ dẫn đến những tranh chấp như vụ Global Witness từ những năm 2013, 2014. Khi họ dùng những giá trị đó ép vào giá đường hay cao su của chúng ta thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại.

Ngoài ra, các nông sản Việt Nam như đường hay cao su khi bán tại các thị trường quốc tế cũng bị áp đặt theo các tiếu chuẩn khác. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải chú trọng đến các giá trị bền vững hơn để không chỉ là những giá trị xã hội cũng như lợi ích của doanh nghiệp được đảm bảo mà hàng hóa Việt Nam cũng không bị mang tiếng xấu", ông Tuấn chia sẻ.

Còn theo ông Phạm Quang Tú - Đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra các thị trường Lào hay Campuchia cần đặc biệt lưu ý đến sự khác biệt về luật pháp của nước sở tại so với Việt Nam. Chẳng hạn như ở Campuchia là sở hữu đất cá nhân chứ không phải toàn dân như nước ta.

Vì vậy, khi muốn đầu tư nông nghiệp tại đây, doanh nghiệp sẽ phải tự thỏa thuận với người dân để có đất làm nông nghiệp chứ nhà nước không có trách nhiệm giải phóng mặt bằng mà giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp.

"Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang Lào hay Campuchia có vẻ như tâm lý khá chủ quan và rất dễ rơi vào thế bị động khi gặp khó khăn. Trong thời gian trước, khi giá cao su tăng cao khiến các doanh nghiệp với lợi nhuận tính toán trên giấy và chỉ xin được diện tích đất rộng lớn là có thể đồng ý với các điều kiện mà đối tác đưa ra nên đến lúc tính hiệu quả kinh tế lại không sát", ông Tú lý giải.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thúy Hoa - Hiệp hội cao su Việt Nam cũng cho rằng:" Các doanh nghiệp Việt Nam đã trồng được trên 28.000 hecta cao su tại Lào và 90.000 cao su tại Campuchia. Có thể nói, khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt việc thiếu kiến thức về luật pháp của Việt Nam, của quốc gia sở tại. Đồng thời, khi đầu tư ra nước ngoài các doanh nghiệp cũng cần tuân thủ những cam kết quốc tế mà cao su là một ví dụ điển hình".

Nguyễn Thắm