|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bài 2: Chăn nuôi tự động sẽ thay thế hiện diện của con người

00:44 | 03/02/2019
Chia sẻ
'Khoảng 15 nước xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm đang chiếm thị phần hơn 90% trên toàn thế giới. Và, ngành chăn nuôi của Việt Nam nếu không nhanh chóng tiếp cận công nghệ sẽ có thể thua trên sân nhà.'
bai 2 chan nuoi tu dong se thay the hien dien cua con nguoi

Mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ khó đáp ứng các yêu cầu chất lượng trong xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam cảnh báo, có khoảng 15 nước xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm đang chiếm thị phần hơn 90% trên toàn thế giới. Các quốc gia này có năng lực và công nghệ bỏ xa những nước khác còn lại.

Và, ngành chăn nuôi của Việt Nam nếu không nhanh chóng tiếp cận công nghệ sẽ có thể thua ngay trên sân nhà.

Hàm lượng khoa học thấp

Với kinh nghiệm làm việc cùng các đối tác Đan Mạch, ông Trí cho hay, mỗi năm quốc gia này thu được 3 tỷ USD từ xuất khẩu thịt lợn ra toàn cầu, chiếm 90% sản lượng thịt sản xuất và 10% còn lại là tiêu thụ nội địa. Bên cạnh giống vật nuôi, chất lượng thức ăn thì môi trường chuồng trại cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

“Trong khi tại Việt Nam, tổng đàn vật nuôi lên tới 400 triệu gia súc, gia cầm nhưng hầu hết đến từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với chất lượng sản phẩm có thể xuất khẩu sang các nước phát triển không cao đồng thời giá chưa cạnh tranh do đầu vào, giống vật nuôi chủ yếu là nhập khẩu, hệ thống chuồng trại chưa tối ưu…,” ông Trí nói.

Báo cáo từ Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra rằng, khoa học và công nghệ thực sự là một trong các giải pháp quan trọng, đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, khoa học và công nghệ đang có mức đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất giống cây trồng và vật nuôi với giá trị gia tăng đạt đến 38%...

Song, báo cáo này cũng không phủ nhận, hoạt động khoa học và công nghệ trong ngành nông nghiệp còn khá nhiều tồn tại và hạn chế, tại nhiều lĩnh vực ở trình độ thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực. Đơn cử như thư trong lĩnh vực chế biến bảo quản, chăn nuôi, thú y... hàm lượng khoa học và công nghệ trong mỗi sản phẩm không cao, chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Cao Trí, ở Việt Nam, ngành chăn nuôi tập trung chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thịt, cá tươi. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi thói quen tiêu dùng thay đổi và chuyển hướng dần sang ăn thịt cấp lạnh thì áp lực cạnh tranh sẽ là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và đặc biệt là việc gia nhập vào CPTPP – khu vực có các đối tác rất mạnh về phát triển nông nghiệp hiện đại.

Thành bại nhờ công nghệ

Theo ông Trí, về định lượng, so sánh hiệu suất qua các thông số cơ bản như chỉ số tăng trọng, tỷ lệ thức ăn tiêu tốn cho một kg thịt heo hơi hay số heo con cai sữa trên một con heo nái…, Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển. Đơn cử, chỉ số số heo con cai sữa trên một con heo nái, của Việt Nam là 20-23 trong khi tại Đan Mạch là 35 và bình quân một số nước trên thế giới là 30.

“Nguyên nhân khiến năng lực sản xuất trong ngành chăn nuôi yếu thế về cạnh tranh còn phải kể đến hệ thống chuồng trại với các trang trại hộ gia đình là chủ yếu. Ngoài ra, yếu tố công nghệ cũng rất quan trọng, nó mang lại giải pháp chăn nuôi tối ưu, tự động cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi đồng thời có kiểm soát môi trường và điều kiện sống,” ông Trí nói.

Ông Trí cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế phù hợp, xây dựng trung tâm hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp và điều quan trọng là phải tạo ra được những vùng trọng điểm trong chăn nuôi như các nước tiên tiến.

Giáo sư, tiến sỹ Trần Đức Viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh, các quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại đều phát triển dựa vào “hệ thống hỗ trợ ra quyết định.” Và, điều này khác với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn truyền thống trước đây (như dựa vào ý kiến của cá nhân xuất sắc, công nghệ đơn lẻ).

Theo ông Viên, thời nay, các nền kinh tế lớn hay các công ty công nghệ hàng đầu như Goolge, Facebook, Amazon, Apple… đang nắm trong tay lợi thế với những hệ thống hỗ trợ ra quyết định thông qua phân tích dữ liệu lớn (big data). Do đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam muốn phát triển theo chiều sâu thì việc sử dụng công nghệ số thông qua phân tích dữ liệu lớn cũng không là ngoại lệ.

“Việc phát triển nông nghiệp bằng cách khai thác các dữ liệu lớn như thu thập thông tin trực tiếp trên đồng ruộng để đưa ra các quyết định có căn cứ khoa học… là rất cần thiết,” ông Viên nói.

bai 2 chan nuoi tu dong se thay the hien dien cua con nguoi
Hiện, ngành chăn nuôi chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thịt, cá tươi sống. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

Về điều này, ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Khối Phát triển Vùng nguyên liệu, Vinamilk chia sẻ, những thách thức của ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt là không nhỏ từ điều kiện tự nhiên nóng ẩm không thuận lợi đến kiến thức kinh nghiệm quản lý trang trại bò sữa còn nhiều hạn chế. Do đó, con đường duy nhất để vượt lên trên những thách thức này là kế thừa có chọn lọc các kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa từ các nước phát triển trên thế giới và áp dụng công nghệ hiện đại.

“Thay vì có người chuẩn bị thức ăn, mang nguyên liệu đến, băm, chặt, sau đó trộn và cần thêm nhân sự chỉ để đẩy thức ăn cho bò… thì hiện nay các phần việc này đều được thực hiện thông qua ghi nhận, phân tích dữ liệu bằng các thiết bị đo lường, phần mềm, từ đó điều khiển các hệ thống máy móc trộn rải chuyển thức ăn với hàm lượng dinh dưỡng được tính toán phù hợp đến từng ‘cô bò’,” ông Dũng chia sẻ.

Bài 3: ‘Chỉ mặt’ thách thức khiến doanh nghiệp nông nghiệp vươn mình

Định hướng vào chiều sâu

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị, ngành chăn nuôi cần sớm chuyển đổi định hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu để nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu…

Để đạt các mục tiêu này, ông Sơn cho rằng cần có một chiến lược tổng thể. Trong đó, nhà nước cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo nguồn lực, thu hút đầu tư công nghệ cao trong chăn nuôi. Việc hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, an toàn và năng suất.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần đổi mới về chính sách đầu tư trong công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt tại khối các cơ quan nghiên cứu khoa học công lập, thực hiện xã hội hoá những lĩnh vực có tiềm năng…

Ông cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện Chương trình giống vật nuôi quốc gia để đảm bảo tính liên tục, tập trung vào những giống vật nuôi chủ lực; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dầu tư nghiên cứu, ứng dụng giống vật nuôi có năng suất và chất lượng tốt…

Xem thêm

Hạnh Nguyễn